Giao lưu với bạn Lê Việt Anh xuất sắc trúng tuyển Học bổng NUS College 2024

Thứ sáu, 23/08/2024, 14:53 GMT+7

Ngày 13.8 vừa qua Hợp Điểm – Đại diện Ban tuyển sinh NUS tại Việt Nam đã có buổi giao lưu với bạn Lê Việt Anh cựu HS trường Chuyên ĐH Sư Phạm Hà Nội là một trong số các bạn xuất sắc đã được Học bổng NUS College ngành Business Analytics. Sau đây là những chia sẻ của bạn mời phụ huynh & các bạn xem qua nhé.

  • Bạn biết đến NUS & quyết định ứng tuyển vào NUS từ khi nào?

Mình đã biết NUS từ cấp 2, khi mình mới vào học cấp 3, trong bảng mục tiêu mình đã điền tên trường NUS vào danh sách mơ ước của mình. Nhưng vì một số lý do, mình vẫn cố gắng hết mình. Tuy nhiên có lúc cảm thấy mục tiêu này hơi cao, nên nhắm tới đại học trong nước.

Đầu lớp 12, Hợp Điểm cùng với cô Pauline Tan – Phó trưởng Ban tuyển sinh của NUS đến trường em. Sau khi được tìm hiểu kỹ, được cô và trung tâm giới thiệu, em thấy yêu thích ngôi trường này, và những gì em chuẩn bị từ trước đến nay cũng đủ để ứng tuyển vào trường. Nên em quyết tâm dành vài tháng để tìm hiểu trước ngành học trong trường, để chuẩn bị tốt nhất cho bộ hồ sơ của mình.

  • Tại sao bạn chọn ngành Business Analytics? Đây có phải ngành nguyện vọng 1 của bạn không?

Ngành Business Analytics thuộc School of Computing trong ngành này mình sẽ học về ứng dụng công nghệ trong việc ra quyết định trong kinh doanh, cũng như giúp đỡ phòng CNTT trong các công ty vận hành hiệu quả hơn. Về bản chất, vẫn học về công nghệ, thêm vào học về kinh doanh, tài chính, marketing…

Đây là ngành được nhiều Khoa trong trường giảng dạy như Khoa Máy tính, Khoa Kinh doanh… Mình nghĩ đây là một ngành học liên ngành và cũng phù hợp với mình, vì mình thích trải nghiệm nhiều thứ. 

Mình đặt nguyện vọng ngành Khoa học máy tính và trúng tuyển ngành này, tuy nhiên, đến cuối mình cảm thấy phù hợp với ngành Phân tích kinh doanh hơn, vì ngành này yêu cầu giao tiếp với khách hàng, cũng như nhà phát triển phần mềm. Mình nghĩ mình phù hợp với vai trò giao tiếp đó. Nên mình đã đăng ký đổi nguyện vọng sang ngành Phân tích kinh doanh. May mắn, mình được nhà trường chấp thuận.

  • Bạn cho biết một vài cảm nhận đầu tiên của mình khi đến NUS vào những buổi học đầu tiên?

Ở NUS có nhiều bạn từ nhiều quốc gia khác nhau, Singapore, Ấn Độ, Trung Quốc, Phillipines, các nước Đông Nam Á như Indonesia, Malaysia, Việt Nam… Có cả những bạn đến từ châu Âu và Mỹ. Mỗi bạn có giọng điệu khác nhau, ban đầu mình phải làm quen với các bạn khác nhau để giao tiếp hiệu quả.

Khi mình mới tới sẽ cần sự giúp đỡ của các bạn, vì họ đã sống ở đây rồi, biết rất rõ quy tắc ứng xử. Nên mình làm quen với các bạn, nhờ các bạn giúp đỡ. Các bạn rất thân thiện, nên mình hoàn toàn có thể hỏi bạn những gì mình chưa hiểu được.

Trong những buổi học đầu tiên, nói thật là khi chuyển từ cấp 3 lên Đại học thì cách học, cách giảng dạy của các thầy cô khác hồi cấp 3. Ban đầu, có thể hơi khó để bắt nhịp ngay lập tức, nhưng dần dần sẽ quen.  Cũng không có gì phải lo lắng, vì việc bắt nhịp khi chuyển cấp học diễn ra cho mọi trường đại học. Nên khi mới sang, mình nên chủ động, theo dõi thông tin & chủ động hỏi ngay khi mình không hiểu.

  • Bạn có tìm hiểu gì về NUS College? Ở ký túc xá nào, có những điều gì đặc biệt của NUS College ?

NUS College là một chương trình không phải là cao đẳng, đây là chương trình học chuyên ngành chính học chung với các bạn khác. Tuy nhiên, trong chương trình học 4 năm của mình sẽ có 4 phần: các môn giáo dục chung, các môn chuyên ngành, các môn tự chọn. Riêng phần thứ nhất là các một giáo dục chung, NUS College sẽ có một chương trình riêng. Đối với các môn chuyên ngành và các môn tự chọn mình vẫn học như các bạn khác.

Khi ứng tuyển NUS College, mình đã tìm hiểu kỹ về điều kiện tuyển sinh nhà trường đưa ra, cũng như chương trình học và môn trường sống ở đây. Đối với NUS College, mọi người ở ký túc xá riêng là Cinnamon College. Những khóa trúng tuyển trước 2024-2025 sẽ được đảm bảo nơi ở tại trường trong 4 năm.

Với NUS College, mọi người điền đơn giống với đơn dự tuyển vào NUS, tuy nhiên, khi ứng tuyển vào NUS College, mọi người sẽ lựa chọn một phần nữa và trả lời thêm 1 số câu hỏi. Những câu hỏi này được đăng lên trang web chính thức của NUS.

Đối với bộ hồ sơ của mình, mình chuẩn bị học bạ trước. Học bạ là một yếu tố quan trọng khi mình dự tuyển vào NUS. Từ cấp 2 mình đã chăm chỉ trong việc học, điểm học bạ khá tốt và đứng đầu lớp. Mình cố gắng duy trì đà này đến hết cấp 3, và tiếp tục trong môi trường đại học nữa.

Về các chứng chỉ, mình đạt IELTS 8.0, kỹ năng Đọc 9.0, Nghe 9.0 và Viết 8.0, đây là điểm số khá tốt, đáp ứng được yêu cầu của trường. Mình cũng có chứng chỉ SAT 1540 và các hoạt động ngoại khóa. Các hoạt động của em trải trên nhiều lĩnh vực, giáo dục, bảo vệ môi trường, văn hóa… trải qua nhiều vị trí như trưởng ban và thành viên. Mình cũng tham gia một số cuộc thi nhỏ lấy thêm một số kinh nghiệm.

Đó là những gì em chuẩn bị cho NUS College. Còn khi phỏng vấn thì có thể các thầy cô trong ban tuyển sinh sẽ hỏi một số câu khá “bất ngờ”, không chuẩn bị trước được. Tuy nhiên, đối với câu trả lời thì nên trả lời thật, vì họ sẽ hỏi rất sâu vào những gì mình đã trả lời, cũng như trả lời làm sao để thể hiện phiên bản thật nhất của mình, phù hợp với môi trường học ở NUS.

  • Theo bạn, yếu tố nào trong hồ sơ, điểm IELTS, hoạt động ngoại khóa quyết định để dành được học bổng hoặc trúng tuyển vào NUS?

Mình nghĩ cả 3 yếu tố đều quan trọng vì theo mình quan sát, mỗi bạn khi trúng tuyển vào trường đều có điểm mạnh khác nhau, tức là không có công thức chung nào cho việc trúng tuyển NUS cả. Có một số bạn được giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, ví dụ giải nhất, giải nhì… Có một số bạn tham gia hoạt động ngoại khóa, có nhiều giải thưởng. Có bạn có thành tích học tập rất tốt. Mỗi bạn nổi bật một yếu tố riêng, và khi xét tuyển vào trường sẽ không có điểm chuẩn khi nhà trường xem xét hồ sơ của mình một cách toàn diện để xem mình phù hợp với môi trường ở đây hay không.

  • Trong 5 câu hỏi trong đơn ứng tuyển, câu hỏi nào cần chú ý ? theo bạn câu hỏi nào để lại ấn tượng sâu sắc nhất?

Với 5 câu hỏi này, chú ý đầu tiên là giới hạn số ký tự mình viết. Một số câu hỏi chỉ được viết 550 ký tự thôi, mỗi chữ cái, dấu cách… đều tính là một ký tự, tức là số lượng chữ không nhiều. Do đó, hãy cố gắng cô đọng câu trả lời nhất có thể.

Mặc dù đây là 5 câu hỏi ngắn, nhưng mình mất khá nhiều thời gian để trả lời, vì số lượng kí tự khá ít và luôn chú ý không viết lạc đề, vì viết xa đề quá thì không có đủ chữ.

Đối với câu hỏi đầu tiên, nhà trường hỏi đã chuẩn bị được gì cho chương trình học mình chọn, ví dụ có làm công việc bán thời gian nào không, có tham gia khóa học online nào không. Đối với những bạn đã làm công việc liên quan đến ngành mình học rồi, ví dụ bạn học ngành Báo chí đã từng đi viết báo, bạn học ngành Kinh doanh và từng tham gia bán hàng hay thực tập công ty… Đây là một điều tốt có thể kể vào đây. Hoặc đã từng tham gia khóa học online, ví dụ muốn học ngành ngôn ngữ Anh, mình đã từng tham gia chứng chỉ đào tạo giáo viên có thể ghi vào. Đối với ngành của mình là Phân tích Kinh doanh, một ngành khá đặc thù, yêu cầu kiến thức lập trình nhiều, và không phải nội dung mình được học ở trường phổ thông. Mình viết là mình chuẩn bị tinh thần học một chương trình như vậy bằng cách xem những video trên mạng, trên YouTube, Facebook… của những người đã làm trong vị trí này. Họ chia sẻ về nghề nghiệp của họ, về những khó khăn mà họ gặp phải khi làm việc. Mình chuẩn bị tinh thần xem mình có phù hợp không để dấn thân vào con đường này không.

Câu hỏi thứ hai, mình nghĩ phần quan trọng nhất của câu hỏi này là “learn from initial failure” và “change your approach”. Sự thất bại ở đây không cần phải là sự thất bại gì đó to lớn, mà có thể là một điều rất nhỏ trong cuộc sống, quan trọng là mình học được gì từ thất bại đó. Mình viết là trong lần đầu tiên thi IELTS, mình được 7.5, một điểm số khá tốt, nhưng với mình đó là một điều mình chưa đạt được hết khả năng của mình. Vì vậy, trong vòng 1 năm tiếp theo, mình tự học nhiều, tham khảo nhiều nguồn tự học trên mạng, gửi bài cho cựu giám khảo để chấm điểm, tham gia khóa đào tạo giáo viên IELTS để có kiến thức về cách họ chấm để sửa đổi những lỗi sai của mình. Sau đó mình đạt được điểm số khá tốt là 8.0 overall và kỹ năng Viết 8.0. Mình nghĩ thay đổi cách học, chuyển sang tự học thay vào dựa hoàn toàn vào lớp học thêm đã giúp mình đạt được mục tiêu và từ điều đó, mình đã học được ngoài kia mọi người tự học rất nhiều, rất mạnh, mình cũng vậy, phải cố từ điểm số đó. Mình cũng đã mở lớp dạy IELTS để có thể thử nghiệm một chút. Từ một thất bại, đối với mọi người thì IELTS 7.5 là một thất bại không đáng để kể vào, nhưng quan trọng là từ đó mình học được gì, sau khi học được thì có những gì sau đó, điều đó thể hiện sự cố gắng, quyết tâm của mình kể cả trong những việc nhỏ trong cuộc sống.

Câu hỏi thứ ba, đối với câu hỏi này thì khá trừu tượng. Một thứ có ý nghĩa với mình thật ra cũng hơi khó trả lời, có thể là một vật, một kỷ niệm nào đó, không nhất thiết phải là một vật hữu hình, miễn là mình có thể giải thích cho ban tuyển sinh điều đó là gì là được.

Đối với mọi người, mọi người có thể mô tả bất kỳ vật gì có ý nghĩa đối với mình, miễn là vật đó giúp mọi người làm được nhiều việc, giúp mọi người có cảm hứng trong cuộc sống này, giúp mọi người có động lực có thể theo học chuyên ngành hiện tại của mình… Mình nói về laptop của mình, món quà mình nhận được sinh nhật năm lớp 4 của mình, chiếc laptop đồng hành với mình từ suốt lớp 4 đến hết lớp 12. Mọi việc như kết nối với thế giới, tự học để đỗ trường chuyên, tự tìm hiểu về NUS… mình đều thực hiện trong laptop này. Thông qua chiếc laptop, mình nhận ra công nghệ thông tin có thể giúp thay đổi cuộc đời một người như thế nào. Đó cũng là động lực để mình theo đuổi ngành này.

Câu số bốn, họ hỏi thành tích đáng tự hào nhất của mình là gì, thành tích này minh chứng như thế nào cho 5 phẩm chất NUS tìm kiếm là sự sáng tạo đổi mới, sự kiên cường, sự xuất sắc, sự tôn trọng và sự trung thực. Mình kể là khi lớp 8, em có một bài tự đăng báo, để có được một bài báo với một học sinh lớp 8 chưa có nhiều trải nghiệm cuộc sống, đó là một điều khó. Mình đã tham khảo ý kiến của nhiều người đã đăng báo trước đó và đã liên hệ với phó tổng biên tập, tự làm mọi việc cho đến khi được đăng. Đó là điều đầu tiên thể hiện mình có thể tạo ra sự ảnh hưởng nào đó, và có thể làm một việc trước nay mình nghĩ mình không làm được. Quá trình này mình cũng phát triển nhiều và cũng học được nhiều, phù hợp với phẩm chất sinh viên của NUS. Mình sẽ chủ động trong cuộc sống, có mong muốn tạo ra sự khác biệt.

Đối với câu số năm, với câu hỏi này, họ hỏi có điều gì ở bản thân bạn muốn cho Ban tuyển sinh biết nữa không. Đây là câu hỏi mở, mình có thể nói bất cứ điều gì, như sở thích của mình là gì, có thể kể vào, mình có nguyện vọng gì trong quá trình học của trường cũng có thể kể vào. Đây là câu hỏi để mình chia sẻ với nhà trường mà họ không biết trước đó trong những câu hỏi trước.

Mình muốn nói thêm là phần chia sẻ của mình chỉ là ví dụ thôi, không phải là khuôn mẫu, không phải là công thức trúng tuyển. Đó chỉ là bài làm của mình có thể tham khảo thêm để có thể có định hướng khi mình trả lời để không bị mắc kẹt ở câu hỏi nào đó, chứ đây không phải là tiêu chuẩn. Mọi người hoàn toàn có thể viết theo kiểu mình muốn, vì nhà trường xem xét hồ sơ một cách toàn diện, chứ không theo một mẫu đáp án nào có sẵn.

  • Bạn có thể kể lại kinh nghiệm được mời phỏng vấn NUS College và chuẩn bị như thế nào? Có những câu hỏi nào gây ấn tượng với bạn nhất?

với NUS College thì ngoài bộ hồ sơ chính để nộp cho NUS, để trúng tuyển NUS College mình phải trả lời thêm một số câu hỏi nữa về hoạt động ngoại khóa của mình, cũng như viết một bài luận ngắn, sau khi nộp, nhà trường sẽ dựa vào bài luận của mình để quyết định mình có được tham gia phỏng vấn hay không. Năm câu hỏi vừa rồi là 5 câu hỏi cho NUS, ứng tuyển NUS College vẫn phải trả lời 5 câu hỏi này.

Sau khi họ đọc phần trả lời của mình, họ sẽ quyết định mình có vào vòng phỏng vấn hay không. Vòng phỏng vấn diễn ra vào đầu tháng 5, khá sát ngày nhận kết quả trúng tuyển. Vòng phỏng vấn chỉ kéo dài khoảng 15 - 20 phút, và nhà trường thường không hỏi sâu về những thành tích hay những chứng chỉ mình đã đạt được, vì họ đã thấy trong hồ sơ của mình rồi.

Trong buổi phỏng vấn, họ sẽ chỉ mong muốn biết mình là một người như thế nào, có mong muốn như thế nào khi vào học và có thể đóng góp gì cho nhà trường. Khi nhận được thư mời phỏng vấn, nhà trường có nói không được tiết lộ câu hỏi dưới bất kỳ hình thức nào nên mình chỉ nói sơ thôi.

Mình có lưu ý là trước khi tham gia phỏng vấn, nên tìm hiểu kỹ, ví dụ, đối với phỏng vấn Học bổng ASEAN hoặc phỏng vấn trúng tuyển ngành cụ thể nào đó, mình cần tìm hiểu kỹ về ngành đó: ở NUS sẽ dạy chương trình như thế nào, có yêu cầu gì đặc biệt so với cùng ngành ở những trường khác… để trả lời câu hỏi đúng trọng tâm nhất. Tương tự với NUS College, mình đã dành vài ngày để tìm hiểu chương trình học của NUS College là gì, liệu mình có phù hợp với chương trình đó không, chương trình đó yêu cầu học gì, và nếu mình học chương trình đó thì mình đóng góp những gì cho chương trình đó như thế nào.

Đó là những lưu ý của mình, kể cả trong vòng điền đơn cũng phải thật sự hiểu nhà trường. Thực tế, khi chưa là sinh viên của trường, mình không có nhiều nguồn thông tin như page, website của khoa mình ứng tuyển, video chia sẻ có sẵn trên YouTube cũng đủ để hình dung về “màu sắc” của chương trình mình ứng tuyển, để câu trả lời không bị chung chung. Câu trả lời trong vòng điền đơn và vòng phỏng vấn của mình phải thật sự liên quan đến trường NUS, chứ không phải là câu trả lời cho trường nào cũng được.

  • Trong khi chuẩn bị hồ sơ, có gì đặc biệt cần lưu ý?

Mình nghĩ điều cần lưu ý nhất là đọc kỹ câu hỏi và trả lời câu hỏi cẩn thận để đáp ứng yêu cầu của câu hỏi. Sau khi viết xong, mình không nên chỉ viết một lần, mà đọc lại một lần nữa xem có điều gì không ổn. Có thể ngay trong khi thời điểm mình viết, câu trả lời này rất ổn, tuy nhiên, vài ngày sau mình đọc lại mình lại cảm thấy không ổn, có nhiều điểm cần sửa. Mình nghĩ nên chuẩn bị hồ sơ sớm để có nhiều thời gian cân nhắc. Cũng không nên nộp sớm quá, vì một vài tháng trước ngày đóng đơn, mình có gì đó muốn thể hiện, nộp sớm thì hơi phí, nhưng thật ra sau khi nộp xong vẫn sửa được, miễn là trước ngày đóng đơn là được. Mình có nhiều cơ hội để sửa, nhưng nên chuẩn bị cẩn thận từng câu hỏi một, cũng như thành tích hoạt động ngoại khóa, mình nên chọn những hoạt động mình có sự đóng góp thật sự tích cực, cũng như hoạt động đó phục vụ cho chuyên ngành hay chương trình mình đang ứng tuyển vào trường. Nếu mình nộp một hoạt động ngoại khóa mình không thật sự đầu tư, thì Ban tuyển sinh có thể nghi ngờ sự trung thực của mình. Mình nên thật sự cân nhắc đối với mỗi thứ mình nộp vào hồ sơ.

  • Bạn có được Học bổng ASEAN hay không? Điều gì là yếu tố quan trọng trong việc trúng tuyển của bạn? Có phải là các hoạt động ngoại khóa?

Mình được Học bổng NUS College, mỗi bạn chỉ được một học bổng thôi. Học bổng NUS College và Học bổng ASEAN nhìn chung về quyền lợi, học phí, chi phí sinh hoạt giống nhau hết. Khác là Học bổng ASEAN là do NUS cấp, còn Học bổng NUS College do NUS College cấp. Tuy nhiên, về hồ sơ cần nộp vào, mình nghĩ cần nộp vào những thành tích quan trọng, hoạt động ngoại khóa quan trọng mà mình có. Mình không thật sự rõ nhà trường sẽ đánh giá, lựa chọn ứng viên để được vào vòng phỏng vấn như thế nào, như vậy, cứ cố gắng thể hiện tốt nhất trong hồ sơ, sau đó thì tùy vào may mắn mà được vào vòng phỏng vấn.

  • Bạn có giải quốc gia hay quốc tế gì không?

Không có ạ. Mình học trường chuyên của Đại học Sư phạm Hà Nội, có thi Học sinh giỏi cấp ĐH Sư phạm, cấp độ có thể xem ngang cấp thành phố. Mình không tham gia vào đội tuyển. Mình học chuyên Anh.

  • Khi ứng tuyển ngành Business Analytics, bạn có định hướng các hoạt động ngoại khóa theo ngành mình chọn, hay liên quan đến sở thích?

Mình nghĩ, với các hoạt động ngoại khóa thì hoạt động nào cũng được. Như khi mình nộp đơn, những lĩnh vực mình tham gia khá nhiều, từ Âm nhạc, Văn hóa, đến Giáo dục… Miễn là những hoạt động này giúp thể hiện những phẩm chất của mình là được. Còn hoạt động ngoại khóa liên quan đến chuyên ngành, nếu có thì rất tốt. Tuy nhiên, nếu không có thì không phải là vấn đề, vì khi mình còn là học sinh cấp 3, có những chuyên ngành rất khó, mình chưa có đủ kiến thức để tham gia hoạt động thuộc chuyên ngành đó, điều đó cũng dễ hiểu.

Đối với mình, ngành Phân tích kinh doanh là một ngành được mọi người nghĩ tới là ngành sử dụng nhiều dữ liệu để đưa ra quyết định, để có tri thức từ dữ liệu. Mình có kể trong hồ sơ, vào cuối năm lớp 12, mình tạo một kênh TikTok cá nhân có khá nhiều người xem, có phần thống kê số liệu, và từ phần thống kê đó mình rút ra được là video mình đăng hấp dẫn hay không, những loại nội dung nào sẽ hấp dẫn… Mình nghĩ đó là một bước mình có sự chủ động sử dụng số liệu để đưa ra quyết định, đó cũng là sự quyết định cho ngành của mình, không nhất thiết phải có dự án thật sự lớn, tầm cỡ, nhưng nên có những hoạt động mình chủ động tham gia và chủ động học được điều gì đó từ những hoạt động đó.

  • Việc tạo kênh TikTok do bạn tự nghĩ ra, hay có thầy cô, bạn bè gợi ý hay không?

Không, mình làm vui thôi. Mình nghĩ không ai làm kênh TikTok cả. Mình làm kênh TikTok để chia sẻ tiếng Anh thôi, về các kỳ thi IELTS hay SAT, chia sẻ kinh nghiệm học. Đó là sở thích, sau khi thi xong có một chút thời gian rảnh, không phải làm vì mục đích gì cả.

  • Kênh TikTok của bạn có đưa vào phần trả lời 5 câu hỏi hay đưa vào dạng một thành tích, hoạt động ngoại khóa của bạn không?

Kênh TikTok của bạn có đưa vào phần trả lời 5 câu hỏi hay đưa vào dạng một thành tích, hoạt động ngoại khóa của bạn không?

  • Bạn có lời khuyên nào cho các bạn học sinh sinh viên chuẩn bị dự tuyển vào NUS năm nay?

Hãy cố gắng quyết tâm cho hồ sơ của mình. Nên lạc quan về kết quả, vì không vào được NUS cũng không phải là điều tồi tệ, vì mình cũng có nhiều cơ hội khác nên mình cứ đầu tư hết mức cho bộ hồ sơ của mình, và có những kế hoạch dự phòng để nếu không được thì vẫn không buồn vì kết quả đó. Mình nghĩ khi ứng tuyển vào các trường, yếu tố may mắn là yếu tố rất quan trọng. Có thể hai bạn như nhau, nhưng một bạn được một bạn không, nên mình cố gắng lạc quan hết sức với kết quả, dù có học bổng hay không, có đỗ hay không, có vào được ngành mình mong muốn hay không, đều là trải nghiệm tốt. Nên có nhiều kế hoạch dự phòng.

Rất cảm ơn Việt Anh, Hợp Điểm chúc bạn nhiều sức khỏe & học tốt nhé.

 

Ý kiến bạn đọc