Sau đây là chia sẻ của bạn Hồ Chí Thành, cựu học sinh chuyên Lý của trường chuyên Thoại Ngọc Hầu An Giang, trúng tuyển học bổng ASEAN ngành Computer Science của trường ĐH Quốc gia Singapore ( NUS ) 2023.
1/ Qua ai hay qua đâu bạn biết đến NUS? Bạn chuẩn bị hồ sơ nộp vào NUS từ khi nào?
Mình biết đến trường NUS từ sớm, vào những năm cấp hai, mình đã có mong muốn và đam mê đi du học. Mình thử tìm nhiều cơ hội thì tình cờ tìm được học bổng A-Star, nhưng lúc đó đã trễ để mình tham gia học và thi. Từ đó mình mới thấy Singapore là môi trường học tập lý tưởng, rồi tìm hiểu thêm thì biết đến trường NUS, một đại học danh tiếng ở Singapore và chất lượng đào tạo rất tốt. Thêm vào đó, ở trường mình đã có một số anh chị đã trúng tuyển và đang học tại NUS, điều đó thúc đẩy mình ứng tuyển vào trường này. Bắt đầu chuẩn bị hồ sơ vào khoảng học kỳ 1 lớp 12 để chuẩn bị kịp hạn cuối là tháng 1/2023.
2/Trúng tuyển ngành Computer Science là nguyện vọng thứ mấy? Vì sao chọn ngành này?
Chọn ngành Computer Science vào khoảng lớp 10, khi vừa vào cấp 3. Từ lâu rồi mình đã thích thú công nghệ, cụ thể là máy tính và các thiết bị điện thoại di động, những cơ hội việc làm ngành này rất tốt. Điều hay nhất đối với mình là sự áp dụng đa lĩnh vực của ngành. Mọi nơi đều có thể áp dụng máy tính, thiết bị phần mềm. Đó là điều khiến mình muốn theo học ngành Computer Science.
3/ Chuẩn bị hồ sơ ngoài điểm GPA có thêm thành tích/giải thưởng nào không? Và có tham gia hoạt động xã hội nào không?
Trong hồ sơ, ngoài điểm GPA thì mình còn có điền tham gia các cuộc thi. Những cuộc thi này có thể từ cấp tỉnh hoặc cấp quốc gia. Nói thật thì những cuộc thi mình thi không liên quan đến ngành Computer Science. Trong cấp ba, mình cũng từng thi cuộc thi liên quan đến tiếng Anh, viết luận, hùng biện, hoặc học sinh giỏi.
Ngoài ra, về những hoạt động ngoại khóa, mình có tham gia một nhánh của câu lạc bộ tiếng Anh trường Thoại Ngọc Hầu. Đây là một dự án giúp tạo môi trường nói tiếng Anh cho các bạn học sinh trong trường. Ý tưởng dự án này được tạo ra từ những năm dịch COVID nên tổ chức online, đến bây giờ vẫn thành công trong trường. Bên cạnh đó, mình còn tham gia chơi thể thao, cụ thể là bóng rổ.
4/ Để đậu vào trường NUS có cần phải có giải thưởng của tỉnh/quốc gia không?
Mình cũng có trong đội tuyển học sinh giỏi, nhưng mình chỉ có giải tỉnh, chứ không có giải quốc gia. Tuy nhiên, mình có tham gia những cuộc thi bên ngoài, những cuộc thi tiếng Anh, thi viết luận, hùng biện. Tùy thuộc vào các bạn, tất nhiên có những anh chị sinh viên đã có giải học sinh giỏi quốc gia, thậm chí cả quốc tế. Trường hợp của mình thì không có giải quốc gia nhưng có thi những cuộc thi bên ngoài mang tính quốc gia, với các bạn từ nhiều tỉnh khác nhau tham gia.
Với mình, trải nghiệm là một điều quan trọng. Những trải nghiệm đã gặt hái, đã có được trong cấp ba của mình để đem về những câu chuyện, những bài học riêng cho mình. Điều quan trọng là phải có được trải nghiệm từ những cuộc thi đó, và bài học mình rút ra được. Việc đó tại thêm bề dày, sự dồi dào riêng cho bản thân, theo mình đó là điều quan trọng để vào trường và phỏng vấn học bổng.
5/ Hồ sơ nộp vào NUS và để đạt học bổng, các hoạt động ngoại khóa và thành tích có nhất thiết phải hoàn toàn liên kết với ngành học không?
Ngành mình học hiện tại so với những trải nghiệm cấp ba không liên quan cho lắm. Nhưng mình là bằng chứng sống cho việc có thể thi cuộc thi không liên quan nhưng vẫn có thể trúng tuyển một ngành, một lĩnh vực không gắn kết quá chặt chẽ với nhau.
Trong trường hợp này, mình nghĩ nên cứ thử sức, tuy nhiên, khi mình ứng tuyển NUS và khi được mời phỏng vấn, thì NUS coi những cuộc thi, những trải nghiệm, hoạt động ngoại khóa của mình là những điều tạo kinh nghiệm cho mình. Ngoài ra, mình phải thể hiện mình muốn thử sức, và tùy thuộc vào khả năng thuyết phục của mình để nhà trường chấp nhận mình.
6/ Chưa biết nên chọn ngành Computer Science hay Computer Engineering? Nhờ anh chia sẻ kinh nghiệm để hiểu rõ các ngành nhỏ và kinh nghiệm để apply học bổng 2 ngành này ở NUS ?
Như đã chia sẻ lúc đầu, lý do mình chọn ngành Computer Science phần lớn là do áp dụng nhiều lĩnh vực, ở đâu cũng có một vị trí nhất định, nên em mới theo ngành này.
Theo mình, kỹ năng hướng nghiệp và chọn ngành nghề đòi hỏi sự chuẩn bị và tìm hiểu kỹ. Computer Science và Computer Engineering có những điểm tương đồng với nhau, tuy nhiên vẫn có những mảng riêng và thú vị. Mình chỉ là sinh viên năm nhất, chưa có trải nghiệm quá nhiều để phân biệt rõ hai ngành này, nhưng chắc chắn những nguồn tài liệu trên mạng, những anh chị sinh viên lớn hơn, các thầy cô… có thể giải đáp phần nào đó chuyện này. Chắc chắn điều quan trọng nhất là bản thân phải tự tìm hiểu, và tự tìm xem ngành mình chọn so với những gì mình mong muốn, những thế mạnh của mình có thật sự hợp với nhau không. Dựa trên những cơ sở đó để chọn ngành nghề phù hợp cho mình.
7/ Trong đơn online có 5 câu hỏi, bạn thấy ấn tượng câu nào nhất? Và chuẩn bị câu hỏi có gặp khó khăn gì không?
Đây là những câu hỏi đối với mình mang tính trải nghiệm bản thân nhiều, và không phải là những câu hỏi các bạn có thể lên mạng tìm kiếm và sao chép vào. Đó là những câu hỏi mang tính trải nghiệm cá nhân, riêng tư, mỗi người sẽ có trải nghiệm khác nhau để có thể trả lời. Câu hỏi mình thấy ấn tượng nhất là câu hỏi về khoảng thời gian thất bại của mình, và mình làm cách nào để thành công trở lại.
Nhiều người sẽ thể hiện phần đẹp đẽ, rạng danh bản thân mình, nhưng ít người thật sự chia sẻ những khoản thất bại, những khoản không đạt được ý muốn của mình.
Đây là câu hỏi mình rất ấn tượng, vì lúc đó thật sự phải nhìn lại những khoản thất bại, những khoản không đạt được ý muốn của bản thân. Mình cảm nhận NUS khai thác được học sinh khá hay.
Một câu hỏi nữa đó là câu hỏi cuối cùng, đó là “Còn những gì bạn muốn cho chúng tôi biết không?”. Đây là một câu hỏi mở, mỗi người chắc chắn sẽ có những câu trả lời khác nhau. Câu hỏi này cũng mang tính tự tìm hiểu, phải tìm thêm mình có gì đặc biệt, cái gì đó riêng, cái gì đó có thể nổi bật hơn các ứng cử viên để ứng tuyển NUS.
Mình nghĩ hai câu hỏi này khá đặc biệt, và cũng phải chú ý để mình có thể trả lời phù hợp cho ban giám hiệu nhà trường, và cũng phải thật sự đúng với bản thân mình. Lúc đó mới thật sự đúng nhất có thể và tăng tỷ lệ thành công.
8/ Được mời phỏng vấn Học bổng ASEAN, NUS có yêu cầu viết thêm bài essay gì không? Và có dựa trên bài essay đã viết trong đơn online để hỏi thêm khi phỏng vấn học bổng?
NUS không yêu cầu viết thêm essay nào hết, tuy nhiên, trong phần phỏng vấn họ có hỏi về một ý mình đã ghi trong 5 câu hỏi, đó là câu hỏi số 5. Họ hỏi thêm về chi tiết mình đã nêu trong bài luận đó. Cụ thể, mình đã kể về một khoảng thời gian tuổi thơ, và họ sử dụng chi tiết đó để hỏi, và từ khoảng tuổi thơ đó, lý do gì khiến mình muốn theo học đến tận hiện tại. Mình nghĩ đây là một câu hỏi không dễ. Để lưu ý cho tất cả mọi người, trường NUS có dựa vào những câu luận đó để họ phỏng vấn, để hỏi mình thêm, tìm hiểu thêm về bản thân mình. Cho nên các bạn phải thật kỹ và phải chân thật với bản thân.
9/ Về Học bổng ASEAN, đặc biệt là vòng phỏng vấn chuẩn bị như thế nào?
Thời gian chuẩn bị phỏng vấn không nhiều. Mình nhớ khi được mời phỏng vấn thì chỉ có khoảng một tuần để chuẩn bị. Lúc đó, mình tìm mọi nguồn tài liệu có thể trên mạng, tìm sự trợ giúp, lời khuyên từ các cựu học sinh đi trước. Quan trọng nhất, mình nghĩ mình có thể tự tìm hiểu về bản thân hơn nữa, dùng những câu hỏi như “Tại sao chọn Khoa học máy tính?”, “Tại sao lại chọn đất nước này?” và “Định hướng sau này làm gì?”. Đó là những câu hỏi mình nghĩ là chủ đề lớn nhất trong buổi phỏng vấn mình trải qua. Mình đã được kết quả mong muốn, nhưng nếu có thể làm lại, mình sẽ chuẩn bị kỹ hơn về những mảng đó, để thật sự rèn bản thân mình, để trả lời không chỉ đúng với mình mà còn thể hiện mình là người có định hướng, có kế hoạch, và sẵn sàng cho những thử thách tương lai.
Riêng mình, trong một tuần đó mình đã làm được như thế, mặc dù không đầy đủ cất cả, nhưng tạo được sự chuẩn bị tinh thần tốt. Mình nói thêm, hãy tập luyện sự ứng biến trước những câu hỏi mới, lạ, chắc chắn các bạn sẽ gặp tình huống này.
10/ Bạn có lo lắng rằng môi trường của Singapore khá nhỏ để có thể khám phá không? Hay chỉ quan tâm về chất lượng của trường ĐH hơn là về đất nước mà mình đi du học?
Lần đầu tiên đến Singapore, mình nghĩ đây là một đất nước không quá lớn, dân số không quá đông, nên thị trường cũng như địa điểm mình học có thể không quá lớn để khám phá.
Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu lại cũng như đã đến để trải nghiệm dù chỉ ngắn hạn, mình cảm thấy Singapore là một đất nước rất hiện đại so với những nước Đông Nam Á khác, vượt trội và mạnh về mọi mặt, cơ sở vật chất đến học tập, và thậm chí môi trường làm việc. Mình thấy có rất nhiều người chọn Singapore làm địa điểm để lập nghiệp rất tốt. Tập trung vào chất lượng đại học là đúng vì NUS là một ngôi trường đã có danh tiếng, thể hiện được môi trường đào tạo rất tốt trong suốt nhiều năm qua, qua những cựu học sinh cũng như qua những nghiên cứu họ làm.
Singapore tuy nhỏ nhưng có nhiều thứ để khám phá, để học hỏi. Dù mình chỉ đến một thời gian rất ngắn, mình cũng đã tìm được những thứ mới mẻ để tìm kiếm và học hỏi thêm. Không chỉ như thế, khi ở Singapore, mình có cơ hội để giao lưu khắp nơi trên toàn thế giới, vì NUS có liên kết với rất nhiều trường không chỉ ở châu Á mà toàn thế giới, như Châu Âu, Mỹ, Anh, Úc, rất nhiều nơi. Đây là một cánh cửa đưa mình đến khắp nơi trên thế giới nếu mình thật sự muốn. Singapore là một địa điểm du học rất phù hợp, rất tuyệt vời.
11/ Có lời khuyên gì cho các bạn năm sau dự tuyển?
Rất nhiều lời khuyên có thể tìm được từ những bài nói của anh chị đi trước, hoặc những nguồn tư liệu khác, mình không muốn lặp lại. Riêng mình, một điều rút ra được là hãy tìm một trải nghiệm của riêng mình, như tự viết một câu chuyện về bản thân và câu chuyện đó phải thật sự cho ban tuyển sinh thấy rằng mình là một người nổi bật, khác biệt hơn những ứng viên khác, phải có sự dồi dào về bản thân nhất định. Điều đó có thể tìm thấy qua những cuộc thi mình tham gia, qua những hoạt động ngoại khóa mình tham gia, hoặc bằng những cách khác, thể hiện mình có sự thích thú với ngành mình chọn.
Đó là điều mình rút ra được trong hành trình mình ứng tuyển NUS. Đúng là phải cần GPA, cần IELTS, tuy nhiên mình không đề cập đến, mà đề cập đến điều quan trọng nhất chính là bản thân mình, phải tìm được gì đó riêng của mình, cái gì đó thể hiện sự dồi dào của bản thân. Lúc đó mới một phần thuyết phục được nhà trường, hay hơn nữa là thể hiện bản thân mình, mình xứng đáng, thể hiện đủ tư chất để có thể tiếp tục tham gia cuộc hành trình học tập tại NUS.
Mời bạn xem chi tiết tại đây: