Giao lưu với bạn Võ Nguyễn Mỹ An trúng tuyển Học bổng Asean

Thứ năm, 15/08/2024, 11:36 GMT+7

Vừa qua ngày 2/7/2024 Hợp Điểm - Đại diện Tuyển sinh NUS tại Việt Nam đã tổ chức buổi giao lưu với sự tham dự của bạn Võ Nguyễn Mỹ An, cựu HS Chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM trúng tuyển Học Bổng Asean NUS ngành Business Administration năm 2023. Xin mời phụ huynh & các bạn cùng nghe chia sẻ của bạn nhé.

1/ Mỹ An là trường hợp đặc biệt đến phút cuối cùng mới biết được mình trúng tuyển Học bổng ASEAN. Cảm thấy thế nào khi nhận được thông báo trúng tuyển ?

Mình nằm trong đợt cuối cùng nhận được kết quả phỏng vấn, kết quả nhập học và kết quả học bổng vào khoảng 13-14 tháng 7. Lúc đó, mọi người nhận được kết quả mình hơi sợ và bối rối. Năm nay, mình cũng thấy nhiều bạn nhắn tin hỏi rằng các bạn khác đã nhận được kết quả, vậy kết quả của mình lại chưa có.

Một điều mình luôn nói với các bạn là mình phải hiểu rõ NUS báo kết quả như thế nào. Singapore sẽ khác với Mỹ, không thông báo kết quả cùng một đợt. Mỹ sẽ có Early Decision và Decision sau khi Early Decision đó, thì họ sẽ báo trong Early Decision đó và đợt Normal Decision, thì rất nhanh gọn. Còn với Singapore và NUS thì trường sẽ báo kết quả theo đợt, xem xét điểm A-level và IB nếu có trước, trước điểm hệ THPT Việt Nam. Nên việc nhận được kết quả trễ thì bình thường và diễn ra nhiều với các học sinh Việt Nam, đặc biệt các bạn không tham gia các cuộc thi quốc tế, quốc gia.

Một điều nữa để các bạn đỡ lo hơn, đó là các bạn nên email NUS hỏi về đợt cuối cùng NUS thông báo kết quả là khi nào. Nếu như vẫn còn chưa đến thì mình vẫn nên đợi. Và chắc chắn là trường sẽ gửi thư thông báo trạng thái kết quả của mình cho dù kết quả là gì đi nữa.

Mình mong là đây là thông tin có thể làm phụ huynh và các bạn yên tâm hơn trong khoảng thời gian chờ kết quả ứng tuyển để học tập tại Singapore.

 

2/ Mỹ An biết đến NUS từ khi nào? Và từ khi nào quyết định ứng tuyển vào trường ?

 

Mình biết đến trường NUS khá lâu rồi. Bạn của anh mình có theo học ở NUS, và mình cũng có các bạn học cấp 2, cấp 3 học dạng học bổng A-star và ASEAN đang học cấp 3 ở đó. Khi hỏi các bạn về trường cấp 3 mình cũng biết đến các trường đại học ở Singapore.

Lúc đó mình ứng tuyển, Singapore không phải là lựa chọn duy nhất của mình, lựa chọn thứ hai của mình là Úc.

Điều làm mình quyết định đi Singapore hay Úc là khoảng cách địa lý. Úc xa Singapore hơn nhiều, Singapore cách Việt Nam 1-2 tiếng bay tùy vào thành phố. Mình cảm thấy chương trình học ở Singapore phù hợp với mình hơn, vì Singapore vẫn theo hệ học của châu Á, tức là bên đó môi trường sẽ không khác nhiều lắm, hơn là các nước châu Mỹ, châu Âu, hay châu Úc. Mình nghĩ rằng em cần một khoảng thời gian, một môi trường có thể cho mình hòa nhập từ từ với cộng đồng thay vì hòa nhập ngay lập tức, vì mình không thể chịu được sự thay đổi nhanh như vậy.

Thứ hai, em nghĩ Singapore là một đất nước có nhiều nền văn hóa khác nhau, vẫn là châu Á nhưng vẫn có nhiều nền văn hóa khác nhau. Đây là môi trường giao thoa lý tưởng để em có cảm giác như ở nhà, nhưng vẫn có cơ hội trải nghiệm nhiều nền văn hóa khác nhau.

Thứ ba, mình được biết NUS là trường top 8 thế giới và top 1 châu Á. Đây là yếu tố quan trọng mình chọn NUS trong số các trường ở Singapore để theo học.

3/ Chuẩn bị hồ sơ như thế nào? Có cảm thấy hồ sơ của mình chưa đẹp, chưa hoàn thiện như những bạn khác? Bạn tập trung vào những điều gì trong hồ sơ của mình để tăng tính cạnh tranh?

 

Khi ứng tuyển cho NUS, mình chưa có kết quả thi THPT quốc gia, nên các giải của mình hầu hết là các giải thành phố và giải miền Nam.

Lúc đó, mình học chuyên Anh còn ngành mình ứng tuyển là Quản trị Kinh doanh, và mình thấy khó để thấy sự liên kết giữa hai ngành này và mình cũng chưa biết làm sao để kết nối hai ngành này với nhau. Nếu các bạn học chuyên Toán, Lý, Hóa mà các bạn học Computer Science hoặc các ngành Engineering, các bạn dễ liên kết hơn, có nhiều điều để nói hơn.

Lúc đó mình hơi hoang mang, gặp khá nhiều trở ngại khi viết luận, thể hiện bản thân phù hợp với ngành Quản trị Kinh doanh, và những kinh nghiệm có được trong thời gian học cấp 3 đóng góp cho mình như thế nào để vào NUS với tư cách là một sinh viên Kinh doanh. Đó là những trăn trở của mình. Một trong những người và yếu tố giúp mình làm hồ sơ chắc chắn hơn đó là các thầy ở Hợp Điểm. Các thầy giúp mình luyện phỏng vấn và sửa bài luận.

 

Cho dù ngành của mình không liên quan đến ngành chuyên hay tổ hợp các bạn đang theo học, thi tốt nghiệp, các bạn cần thể hiện được là những kinh nghiệm, trải nghiệm có được ở cấp 3, ví dụ như trải nhiệm dẫn đầu một câu lạc bộ ở trường, tham gia hoạt động văn nghệ với các bạn trong trường như thế nào, giúp bạn trở thành con người kiên quyết hơn, có chí cầu tiến hơn.

Tất cả giá trị tích cực mà bạn có được từ trải nghiệm cấp 3 làm cho NUS thấy được bạn có chí cầu tiến, có cố gắng. Nói thẳng là mình vào đại học để học, không ai hy vọng mình vào đại học mà đã biết hết tất cả kiến thức ngành mình muốn học.

Mình biết có những bạn học Computer Science nhưng không biết lập trình, các bạn vào để được học lập trình, nên việc không học giống ngành rất bình thường. Các bạn phải cho NUS thấy các bạn rất muốn học ngành này, bạn sẽ cố gắng hết sức để đậu vào trường, cố gắng duy trì đam mê ngành này. Đó là điều mình tập trung thể hiện trong phỏng vấn và các bài luận của mình.

Còn về các hoạt động ngoại khóa và điểm GPA, mình luôn tự nhắc mình phải giữ điểm GPA cao, vì mình đã có định hướng du học từ sớm, từ cuối lớp 9 đầu lớp 10 rồi, nên mình xác định mình phải giữ GPA cao.

Tương tự, với hoạt động ngoại khóa thì mình đã có kế hoạch tham gia từ lớp 10, 11, mình đã có đủ các chứng chỉ hoạt động trong trường, trong thành phố và có đủ những vai trò lãnh đạo để có thể đưa vào hồ sơ. Cho nên, trong một khoảng thời gian ngắn, để làm hồ sơ mình mạnh lên cũng có thể, nhưng phần lớn phải chuẩn bị từ trước và phải có định hướng đi du học từ trước mới có thể làm đẹp hồ sơ như vậy.

 

4/ Trong 5 câu hỏi trong đơn tuyển sinh NUS, câu hỏi nào để lại ấn tượng cho bạn nhất?

 

Khi đọc qua những câu hỏi này, mình thấy bất ngờ vì ấn tượng của mình với Singapore trước đó là một đất nước nặng về việc học và trọng điểm số và thành tích.

Trong quá trình hỏi các anh chị đã vào NUS các năm trước, các anh chị nói chỉ cần 1 bài personal statement là bài luận cá nhân thôi. Tới năm của mình thì thay đổi nên mình thấy bất ngờ. Mình không ngờ các câu hỏi lại chú tâm vào nhiều khía cạnh của người học sinh, không chỉ về học thuật, còn về khả năng lập kế hoạch trong câu 1 – bạn đã làm gì để chuẩn bị cho ngành của mình.

Rồi có câu hỏi nhắm vào cách nhìn của học sinh về cuộc sống, như cái gì ý nghĩa với bạn hay ai ý nghĩa với bạn, nên mình thấy bất ngờ. Mình cảm thấy biết ơn, vì không có những câu hỏi này thì em cũng không có thời gian để phản ánh lại mình đã làm được gì và mình đã là một người như thế nào trong ba năm cấp ba vừa qua.

Câu hỏi mình thấy khó nhất, thử thách nhất với mình là câu cuối cùng. Mình không biết năm nay câu đó làm hay không cũng được, nhưng năm của mình là như vậy. Khi được cho một đề mở như vậy, mình không biết mình phải ghi gì, và không biết việc mình ghi có đúng hay không, điều đó khó với mình, một người cần một đề bài rõ ràng. Mình có hỏi thầy Nghĩa, là thầy dạy viết luận cho mình. Thầy bảo đây là cơ hội cuối cùng để mình cho NUS thấy, ngoài những điều mình đã viết trong bốn câu trước, thì mình muốn cho họ biết mình là người như thế nào trong câu cuối cùng này, và chỉ có 550 ký tự, khá ngắn. Mình đã trải qua rất nhiều bản nháp để đưa ra được câu trả lời cuối cùng. Mình có thể thể hiện mình là người học giỏi, có thể khoe thành tích, mình có thể thể hiện mình là người năng động, có nhiều hoạt động ngoại khóa. Mình cũng có thể khoe trải nghiệm của mình hoặc một sở thích, một điều gì đó đã làm thay đổi tính cách và con người của mình, và mình chọn điều cuối cùng.

Bây giờ nghĩ lại mình thấy mình đặt nặng việc cho ban tuyển sinh biết hết về con người của em đối với giới hạn ký tự như vậy. Cho nên mỗi lần viết mình phải cắt rất nhiều, mình không nỡ cắt đi những điều đã có nhiều thông tin rồi mà em không muốn cắt đi.

Một điều mà mình nghĩ các bạn đang viết hoặc sắp ứng tuyển vào NUS xem xét nhiều hơn, đó là mình không cần phải áp lực để cho biết hết về bản thân vì điều đó là không thể. Mình còn có thể thể hiện trong vòng phỏng vấn nữa. Cho nên, chỉ nên thể hiện những gì mình nhiệt huyết nhất, tâm đắc nhất với bản thân. Mình phải lựa chọn vì không thể thể hiện hết được. Mình nghĩ đó là điều các bạn nên xem xét trong quá trình ứng tuyển học bổng.

 

5/ Sau khi tốt nghiệp ĐH, muốn học lên Thạc sĩ cần có kinh nghiệm làm việc 3 năm tại các công ty ở Singapore, điều này thực hiện như thế nào?

 

Chủ đề này mình không có nhiều thông tin, nhưng hồi đó mình làm trong Hội sinh viên Việt Nam ở Singapore, mình có tổ chức sự kiện giấc mơ du học và được nói chuyện với một anh học Thạc sĩ ngành Business Analytics (Phân tích kinh doanh). Mình được biết là tùy vào các ngành mà bạn muốn học Thạc sĩ sẽ cần kinh nghiệm làm việc hay không. Có những ngành thiên về nghiên cứu không cần kinh nghiệm làm việc tại các công ty để học Thạc sĩ, có thể học Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ liền luôn. Mình biết một anh đang học nghiên cứu về A.I., anh sắp ra trường và nhận được thư học Tiến sĩ và đang học tại Singapore.

Ví dụ như ngành Business cần có hoặc nên có kinh nghiệm làm việc trong các công ty để học lên Thạc sĩ. Còn thực hiện như thế nào thì mình không rõ, nhưng không có giới hạn là công ty Singapore hay nước ngoài.

 

6/ Mỹ An có thể chia sẻ kinh nghiệm chuẩn bị essay và hồ sơ ứng tuyển NUS?

 

Chủ đề này mình không có nhiều thông tin, nhưng hồi đó mình làm trong Hội sinh viên Việt Nam ở Singapore, mình có tổ chức sự kiện giấc mơ du học và được nói chuyện với một anh học Thạc sĩ ngành Business Analytics (Phân tích kinh doanh). Mình được biết là tùy vào các ngành mà bạn muốn học Thạc sĩ sẽ cần kinh nghiệm làm việc hay không. Có những ngành thiên về nghiên cứu không cần kinh nghiệm làm việc tại các công ty để học Thạc sĩ, có thể học Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ liền luôn. Mình biết một anh đang học nghiên cứu về A.I., anh sắp ra trường và nhận được thư học Tiến sĩ và đang học tại Singapore.

Ví dụ như ngành Business cần có hoặc nên có kinh nghiệm làm việc trong các công ty để học lên Thạc sĩ.

Còn thực hiện như thế nào thì mình không rõ, nhưng không có giới hạn là công ty Singapore hay nước ngoài.

 

7/ Sau khi viết essay và được mời phỏng vấn, Mỹ An chuẩn bị cho trả lời phỏng vấn như thế nào và nội dung câu hỏi có liên quan gì đến 5 câu hỏi trong hồ sơ ứng tuyển?

 

Tùy ngành sẽ có những buổi phỏng vấn khác nhau. Có một số ngành không cần phỏng vấn, còn một số ngành khác thì cần, còn học bổng thì bắt buộc phỏng vấn.

Quá trình phỏng vấn học bổng sẽ khác với phỏng vấn theo ngành hoặc phỏng vấn vào NUS College – trường danh dự của NUS.

Đối với phỏng vấn ngành và phỏng vấn NUS College, những câu hỏi sẽ giống với những câu hỏi trong phần viết luận, không tập trung vào việc khoe thành tích, mà vào việc thể hiện mình là một người như thế nào, ngoài hồ sơ, điểm số và thành tích mình đã nộp.

Cũng đã lâu nên mình không nhớ được hỏi những câu gì, nhưng nhìn chung theo hướng điểm mạnh của bạn là gì, điểm yếu là gì, một điều mà bạn muốn thử sức khi đến trường là gì? Ngoài việc học, các thành tích và điểm số thì bạn là một con người như thế nào? Bạn có sở thích gì? Những câu hỏi rất đời thường nhưng không phải là những câu hỏi bạn mong đợi được hỏi. Đối với những bạn tập trung vào việc giải case, kiến thức về ngành của mình mà không tập trung vào việc hiểu rõ mình là người như thế nào, với những buổi phỏng vấn như thế này các bạn sẽ gặp khó khăn.

Lúc đó, mình nhớ mình nói rất nhiều về những hoạt động ngoại khóa và những kỳ thi, rồi mình được hỏi lại là họ đã biết rồi, đọc được hồ sơ của bạn rồi, ngoài những điều này thì bạn thật sự muốn đem đến những gì cho NUS College hay không. Mình đã bối rối và hiểu là họ không muốn nghe về việc mình sẽ lập một dự án hay về việc phát triển bản thân như thế nào. Mình thích nướng bánh nên mình trả lời mình sẽ lập ra một câu lạc bộ nướng bánh hoặc một truyền thống nướng bánh trong trường để mọi người giao lưu với nhau nhiều hơn. Đó là ví dụ câu hỏi sáng tạo của NUS.

Còn đối với phỏng vấn học bổng, họ chỉ muốn biết mình có xứng đáng với học bổng không, mình có phải là người đã làm những thành tích, hoạt động ngoại khóa mình đã nộp cho họ không. Họ chỉ hỏi hoạt động này là gì, làm trong bao lâu, khá đơn giản và nhanh.

Có một điều sau khi phỏng vấn xong mình mới học được, và mình mong các bạn nhớ khi phỏng vấn, mình cũng học được từ các anh chị phỏng vấn tìm việc. Đó là khi phỏng vấn mình sợ họ đánh giá mình, hỏi cung mình, nhưng trong buổi phỏng vấn, ngoài việc họ xem mình có phù hợp với trường của họ không, mình cũng phải xem cách họ đại diện trường có hợp với chí hướng, những giá trị mình đang muốn hướng tới, những giá trị mình có, hai chiều chứ không một chiều. Điều này giảm bớt áp lực luôn phải thể hiện thật hoàn hảo trong mắt nhà tuyển sinh.

 

8/ Bạn chuẩn bị phỏng vấn Học bổng trong bao lâu?

Mình có xem qua, nhưng khi nhận được thư mời phỏng vấn mình mới hỏi các nguồn ạ.

9/ Mỹ An học ngành Business có phỏng vấn tuyển sinh đầu vào, vậy bạn phỏng vấn cá nhân hay theo nhóm cùng ứng tuyển ngành này?

 

Mình nhận được thư khá trễ nên có thể NUS đã kết hợp phỏng vấn ngành Business và phỏng vấn học bổng với nhau, vì mình chỉ phỏng vấn một lần. Mình phỏng vấn cá nhân với 2-3 đại diện tuyển sinh.

 

10/ Trong năm học đầu tiên bạn có gặp khó khăn gì về ngôn ngữ, sinh hoạt và kết bạn không?

 

Mình rất thích Việt Nam, thích ở nhà, nên việc đi đến một nước khác làm mình lo và cũng có nhiều khó khăn.

Về ngôn ngữ, ở Singapore họ dùng Singlish – tiếng Anh với giọng người Sing. Mình không quen nên mất khoảng hai tuần để nói chuyện và hiểu hết họ nói gì. Đến bây giờ có những lúc em hỏi lại là bạn nói gì, bạn nhắc lại cho tôi được không. Việc này bình thường vì ở đây có nhiều học sinh quốc tế, và các anh chị hỏi có gì em không hiểu thì nên hỏi lại liền. Họ không ngại nhắc lại, nên cũng không sao hết.

Về bạn bè, em ở ký túc xá NUS College. Em thấy đây là môi trường khá năng động, các bạn hòa đồng và cởi mở, nên quá trình hòa nhập của em không khó lắm. Chúng em ở cùng tầng với nhiều bạn quốc tịch khác nhau, có nhiều tầng có nam nữ chung nữa, cho nên mọi người rất cởi mở và thân thiện. Đây không phải là vấn đề mọi người cần phải lo.

Việc ăn uống, sinh hoạt… sẽ khác một chút. Ở Singapore có 3 văn hóa chính, đó là Trung Quốc, Ấn Độ và Malay. Thức ăn ở đây tập trung nhiều vào các nền văn hóa này, cho nên bạn nào không quen gia vị mạnh có thể cảm thấy không hợp. Nhưng đây vẫn là ẩm thực châu Á, nên em nghĩ quá trình hòa nhập và ăn uống cũng diễn ra nhanh, chậm nhất khoảng 3 tháng.

Một điều em nhận thấy ở đây là mọi người có chí cầu tiến, đi đâu cũng thấy họ học, nhưng cũng có áp lực đồng trang lứa, như hai mặt của một đồng xu. Một bên mình sẽ có động lực cố gắng để ngang hàng với các bạn, còn một bên sẽ cảm thấy áp lực. Đây là điều em chưa có lời giải đáp, và em cũng nghiên cứu khá nhiều, và là một điều các bạn chuẩn bị tinh thần khi chuẩn bị qua Singapore.

 

 

Còn nữa xin mời phụ huynh & các bạn xem tiếp phần sau.

Ý kiến bạn đọc