Vừa qua Hợp Điểm, đại diện Ban tuyển sinh ĐH Quốc gia Singapore (NUS) tại VN đã tổ chức buổi giao lưu với bạn Nguyễn Lê Cát Quyên, cựu HS trường Quốc tế Á Châu TP.HCM đang là sinh viên năm 1 ngành Business Administration tại NUS College chia sẻ " BÍ QUYẾT TRÚNG TUYỂN HỌC BỔNG NUS - KINH NGHIỆM CHUẨN BỊ HỒ SƠ & VIẾT LUẬN ". Xin mời phụ huynh & các bạn cùng nghe chia sẻ nhé.
1/ Bạn cho biết tại sao đang là tháng 5, đã nghỉ hè hay đi thực tập mà đã về TP. HCM?
Dạ đúng. Mình thi xong cuối tháng 4, ngày 30/4. Đầu tháng 5 mình về Việt Nam, và đang thực tập để có thêm kinh nghiệm.
2/ Đây là thực tập bắt buộc hay bạn tự tìm cơ hội làm việc?
Năm nhất không bắt buộc đi thực tập, mình chỉ muốn tìm thêm cơ hội nên tự tìm hiểu.
3/ Sau một năm qua Singapore sinh sống, học ở trường giỏi nhất trong số các trường giỏi nhất, có điều gì làm Cát Quyên thất vọng, không như mình mong muốn?
Không hẳn là thất vọng, nhưng có một điều không như ban đầu dự đoán.
Trước khi mình đến Singapore, trong suy nghĩ của mình, những người học ở NUS rất thông minh, thần đồng. Nhưng sau một năm học và gặp những bạn có những tính cách khác nhau ở NUS, đặc biệt là NUS College, mình thấy mọi người không phải thông minh xuất chúng, nhưng họ có những kỹ năng khác để lúc nào cũng luôn luôn nỗ lực và luôn trau dồi. Điều đó mới làm các bạn giỏi nhiều hơn là việc thông minh xuất chúng.
Mình không nghĩ đó là điều đáng thất vọng, nhưng đó là điều nằm ngoài dự đoán của mình.
4/ Làm thế nào để Cát Quyên có được điểm IELTS cao, đặc biệt là điểm Writing? Bạn có lời khuyên gì cho các bạn cũng như các phụ huynh?
Lúc Quyên học Speaking, việc mình làm là cứ nói rồi đọc thành tiếng, lúc nào cũng nói tiếng Anh, rồi có một khoảng thời gian mình nói tiếng Anh nhiều hơn tiếng Việt, để vào trạng thái tập trung hoàn toàn vào việc nói tiếng Anh. Đó là cách mình học Speaking.
Còn về Writing, Quyên có học một khóa viết luận, ngoài việc viết bài và thầy sửa, thì mình còn đọc các bài mẫu, rồi phân tích bài mẫu đó tại sao hay, rồi so sánh với một bài bình thường hơn. Sau khi nắm được những yếu tố chỉ mình mới cảm nhận được so với những dàn đề chung chung trên mạng, mình thử áp dụng vào bài viết.
Sau khi nhờ thầy chấm, áp dụng những điều này là điểm tăng lên. Quyên nghĩ một trong những cách hay là mình phân tích một bài có điểm IELTS cao, để xem thử mình còn thiếu cái gì thì tập trung trau dồi cái đó.
Xin chia sẻ với các quý vị phụ huynh có con em muốn đi học IELTS, mình nghĩ Listening và Reading không cần học, nhưng Writing và Speaking là 2 kỹ năng các bạn nên học một khóa ngắn hoặc dài, tùy các bạn.
Lúc mình thi IELTS năm lớp 12, mình đã học trường quốc tế 12 năm, mình vẫn học một khóa vì có những kỹ năng Writing của IELTS khác với viết bình thường các bạn đã quen, nên việc học thêm một khóa rất bổ ích.
5/ Cát Quyên hiện đang ở ký túc xá nào?
Quyên học chương trình của NUS College, thì bắt buộc năm nhất phải ở Cinnamon College, là một tòa nhà tại University Town.
6/ Ký túc xá này có đắt hơn các ký túc xác khác?
Đúng, đắt hơn một chút.
7/ Tiền ăn mỗi tháng là bao nhiêu?
Cũng không nhiều. Tổng cộng tiền ăn uống và sinh hoạt thì mỗi tháng mình dùng khoảng 200 SGD.
Đôi khi mình không dùng hết thì dồn qua tháng sau. Do những khoản khác được cover hết nên mình ăn uống, đi lại cũng thoải mái, không quá tiết kiệm, nên khoảng 200 SGD rất phù hợp với mình.
8/ Hỗ trợ sinh hoạt phí 8.800 SGD có đủ cho 10 tháng hay không?
Đủ ạ. Với một nơi ở khá đắt như Cinnamon College thì mình vẫn còn dư khoảng vài trăm đô.
Nhưng nếu vào năm hai, mình chuyển vào khu của Yale-NUS thì mình sẽ thiếu khoảng 100 đô.
9/ Trong ký túc xá có những tiện nghi gì? Phòng của bạn là phòng đơn hay nhiều người?
NUS có 4 loại nhà ở. Mình nói qua vì việc này khá hay.
Loại mà mình đang ở là Residential College. Các bạn ở chung một khu học những môn đặc biệt với nhau, và sẽ hơi đắt.
Loại thứ hai là Hall. Đây là loại nhà người Singapore và người Việt sẽ ở. Hall là loại ký túc xá chi phí hợp lý nhất. Trong Hall có những tiện nghi như nhà ăn, phòng gym, phòng tự học.
Một loại nhà ở khác giống như Apartment. Các bạn ở đây không cần hoạt động ngoại khóa nhiều, tiện nghi vẫn đầy đủ, có phòng gym, nhưng không có phòng ăn.
Các loại phòng sẽ khác nhau, đa phần nhà ở sẽ có phòng đôi và phòng đơn. Nhưng nơi mình ở là Cinnamon College chỉ có phòng đơn. Phòng khá nhỏ, nhưng vẫn đầy đủ, một tủ, một bàn học và một giường đơn. Đối với chỗ của mình có một nhà vệ sinh chung, rất sạch vì ngày nào cũng có các cô đến giúp dọn.
Còn về những tiện nghi như sân, bãi thể thao thì tùy. Nơi mình ở có một sân thể thao đối diện chỗ ở, còn một vài Hall không có. Trường có những cơ sở vật chất như phòng gym, có hồ bơi, trung tâm thể thao riêng nên nếu nơi ở không có thì các bạn yên tâm là vẫn có đầy đủ.
10/ Quá trình chuẩn bị nộp đơn ứng tuyển NUS của bạn như thế nào?
Mình nhớ mình quyết định học NUS vào khoảng tháng Chín, cũng khá gấp để chuẩn bị hồ sơ.
Điều đầu tiên mình nghĩ mọi người đều phải thực hiện là thi IELTS, các bằng cấp, chứng chỉ.
Về thành tích, chứng nhận hoạt động ngoại khóa.
Trước đó, mình có ý định giành các học bổng khác nên tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa. Vào thời điểm tháng 9 – 10 năm lớp 12, khá gấp rồi, mình không có thời gian tham gia thêm. Mình chỉ tổng hợp lại những gì mình có, sau khi tổng hợp lại mình đã có thành tích gì, điểm số như thế này.
Mình nghĩ quan trọng nhất là làm sao để đưa những thành tích đó vào bài luận. Mình có đăng ký một khóa học viết luận tại Hợp Điểm. Trong thời gian mình viết luận và suy nghĩ với thầy, mình cần xác định và khuyên mọi người là tìm được “cốt lõi”, điều làm mình đặc biệt hơn người khác là gì.
Thành tích của mình rất rải rác, có tiếng Anh, có nghệ thuật, có từ thiện nữa, nhưng không liên quan gì đến nhau. Mình tự suy nghĩ tại sao mình lại làm những việc này, mục đích cuối cùng của mình là gì và nếu đó là mục đích của mình thì NUS có thể giúp mình những gì.
Sau khi tìm hiểu rất rõ được bản thân là gì, muốn điều gì, cái “cốt lõi” đó phải cô đọng đến mức có thể tự giới thiệu trong một câu và người khác vẫn hiểu được. Mình mới dùng “cốt lõi” đó để đưa vào bài luận.
Mình đưa ra một ví dụ, có thể không đúng với lúc mình viết luận, nhưng mình nhớ là cái “cốt lõi” của mình là một người rất thích cộng đồng, và tất cả những việc mình làm là về cộng đồng. Thứ hai, mình rất thích nghệ thuật. Thứ nhất là giúp đỡ cộng đồng và thứ hai là nghệ thuật bao trùm hết những hoạt động ngoại khóa của mình, bao gồm từ thiện, làm đạo diễn phim, vẽ hay kể cả thi hùng biện. Tất cả đều quy về cộng đồng và nghệ thuật. Từ đó mình mới viết được những bài luận.
Mình nhớ năm ngoái có một câu hỏi là “Bạn phù hợp với năm tiêu chí của NUS như thế nào?”. Mình mới dùng những hoạt động ngoại khóa của mình để áp dụng từng tiêu chí và để rút lại một câu là những tiêu chí này sẽ giúp mình trở thành người mà có sức ảnh hưởng lớn hơn với cộng đồng, giúp được nhiều người hơn. Đó là điều mình muốn và tại sao mình chọn NUS, tại sao mình phù hợp với NUS.
Câu cuối cùng trong số 5 câu hỏi luận ngắn năm ngoái là “Còn điều gì bạn muốn nói với chúng tôi không?”. Mình trả lời ngoài những việc đã chia sẻ như trên, mình còn là một nghệ sĩ, và việc mình thích nghệ thuật làm cho mình khác biệt hơn những người học Business khác, vì mình có một góc nhìn khác, một góc nhìn không chỉ thấy điều mọi người thường thấy, do đó mình nghĩ là đây là điều mà tôi muốn nói với ban tuyển sinh. Mình nghĩ đó là một trong những lý do tại sao NUS lại chọn mình.
Chia sẻ vui thêm là khi đến trường, mình nghe cái anh chị, các giáo sư nói NUS College có quyền chọn sinh viên vượt trên quyền hạn của các ngành. Ví dụ, nếu NUS College chọn mình thì Business School không chọn nhưng vẫn phải nhận mình vào, vì mình đã ứng tuyển ngành Business.
Khi phỏng vấn, mình đã hỏi nhiều bạn thì hình như chỉ có mình mình là chỉ phòng vấn đúng một vòng, và không hề có phỏng vấn với trường Business. Chỉ có NUS College liên hệ phỏng vấn với mình.
NUS College là một trường còn rất mới, tính thử nghiệm cao, rất thích thử nghiệm với những bạn có tính cách khác biệt.
Mình còn nhớ là thầy phỏng vấn mình có hỏi “bạn nghĩ tại sao không có nhiều doanh nhân là nghệ sĩ?”, vì mình có tự giới thiệu là nghệ sĩ. Mình giải thích có thể là business và nghệ thuật không phải luôn luôn song hành với nhau, nhưng con có thể phối hợp bằng chứng minh những điều mình đã làm. Mình nghĩ thầy thích phần trả lời đó và cũng hỏi thêm, như là mình thích gì…
Tổng hợp lại, phần phỏng vấn của mình với NUS College rất là thoải mái, như một cuộc trò chuyện thường ngày, vì các thầy không quan tâm đến mình đạt giải thưởng gì, GPA, IELTS bao nhiêu… điều mà hai thầy hỏi là bạn thích gì, tại sao bạn lại chọn NUS College và bạn có tầm nhìn như thế nào.
Mình nghĩ điều quan trọng đối với những bạn muốn ứng tuyển NUS College, điều quan trọng là thể hiện được mình là ai, mình có thể làm được những gì. Lúc đó các thầy cũng chỉ hỏi về sở thích, tại sao bạn thích nghệ thuật, tại sao thích Business, bạn thấy bạn sẽ phát triển như thế nào trong 5 năm tới… những câu hỏi về mặt định hướng và tính cách nhiều hơn là thành tích. Mình nghĩ đó là hướng của NUS College.
Còn về Business School, họ không phỏng vấn mình nên mình không rõ lắm, nhưng theo kinh nghiệm các bạn thì Business School sẽ hỏi liên quan tới chuyên ngành hơn. Khi các trường chuyên ngành phỏng vấn thì liên quan đến kiến thức chuyên môn nhiều hơn, so với những câu hỏi phổ thông như NUS College.
Đó là những điều đặc biệt mà mình chia sẻ với mọi người về quá trình chuẩn bị hồ sơ và phỏng vấn. Còn lại những điều phổ thông khác mình nghĩ mọi người đã biết rồi.
11/ Theo phần chia sẻ của Cát Quyên, bạn có thành tích môn nghệ thuật là vẽ. Vậy môn yoga hoặc nhảy có được tính là môn nghệ thuật trong đơn ứng tuyển không?
Mình nghĩ tất cả đều được tính. Có nhiều bạn trúng tuyển với sở thích là nhảy. Nhưng lời khuyên của mình là tại sao môn nhảy lại quan trọng với bạn, hoặc bạn phải làm sao để chứng minh cho trường thấy việc nhảy ảnh hưởng tích cực đến bạn như thế nào. Và bạn nhảy thì phải có gì đó để cho ban tuyển sinh là bạn giỏi về việc này.
12/ Cát Quyên đã biết đến NUS như thế nào? Động lực nào đã thúc đẩy bạn quyết tâm sẽ đậu vào NUS? Bạn lên kế hoạch để đậu vào NUS như thế nào?
Mình biết đến NUS là do mẹ có nhắc qua, đây là một trường tốt, nhưng trước đó mình không có ý định đi du học nên mình không để ý lắm. Cho đến khi mình quyết định muốn đi du học, muốn thử môi trường mới, thì lúc đó NUS được top ranking nên mình cũng rất thích. Đó là lý do ban đầu mình chọn NUS.
Điều làm mình tự nhủ bản thân là phải đậu được trường này, phải đi được trường này là khi mình biết về NUS College, cách họ xây dựng cộng đồng nhỏ ở đó.
Đó là cảm giác mình tìm kiếm, vì mình tự đặt mục tiêu cho bản thân là lên đại học thì phải gặp được nhiều người giỏi hơn bây giờ và phải phát triển hơn bây giờ. Thời điểm đó mình nghĩ NUS và NUS College là môi trường sẽ giúp mình làm được điều này, và bây giờ mình vẫn nghĩ vậy. Nên đó là một động lực lớn – gặp được nhiều người giỏi để có được cộng đồng mà mình có thể học hỏi từ người khác.
Quá trình chuẩn bị của mình như đã nói, mình bắt đầu khá trễ. Trước đó, chị cũng luôn suy nghĩ mình muốn học bổng nên đã tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa từ năm cấp hai, và tới lúc chuẩn bị hồ sơ, thì việc mình làm chỉ là tổng kết lại những hoạt động mình đã làm để tìm được điểm khác biệt của mình, thay vì đi làm lại hoạt động ngoại khóa từ đầu. Tóm tắt hành trình của mình như vậy.
13/ Cát Quyên dựa vào điều gì ở bản thân mình, cũng như vượt qua định kiến của xã hội để bạn tự tin ứng tuyển vào NUS?
Để cho mọi người thấy được toàn cảnh, lúc đó mình cũng không tự tin. Khi mình nghe từ mọi người nói NUS toàn các bạn trường chuyên ứng tuyển, mình cảm thấy khá căng thẳng. Các anh chị mình hỏi xin lời khuyên toàn học trường chuyên, trường của mình cũng chưa có ai học NUS.
Một điều mình có thể chia sẻ cho mọi người ngoài những cảm giác không chắc chắn đó là việc mọi người cứ giữ ý kiến trong đầu là nếu mình ứng tuyển thì chỉ mất mấy chục đô, nhưng nếu không ứng tuyển thì mình mất cơ hội được học ở NUS.
Với mình, công sức bỏ ra, dù đậu hay không đều là công sức xứng đáng, vì đó là quá trình tự tìm hiểu mình, cứ ứng tuyển, cũng không mất gì ngoài mấy chục đô phí nộp đơn. Cho nên mình ứng tuyển với tinh thần cứ làm thôi.
Còn việc mình tự tin, vượt qua định kiến để ứng tuyển thì không. Mình nhận đơn vào tháng Sáu thì thời gian chờ đợi rất kinh khủng, rất nghi ngờ bản thân. Như đã nói, ngay cả một học sinh như mình học một trường quốc tế trước đó chưa có ai học NUS mà mình vẫn vào được thì cứ thử thôi, cũng không mất gì cả.
14/ Chương trình NUS College và NUS khác nhau như thế nào?
Các bạn nộp đơn vào NUS College, các bạn học ngành nào thì vẫn học những môn chuyên ngành của ngành đó. Ví dụ mình vẫn học các môn chuyên ngành Business, ngoài những môn đó ra, rất cả các bạn học ở NUS sẽ học các môn GE, những môn về lịch sử, văn hóa, …
Những bạn học NUS College, thay vì học những môn cùng với cả NUS đó, mình sẽ học những môn riêng và nhiều môn hơn. Những môn riêng của NUS College sẽ trải dài từ Văn hóa, Viết luận, đến Coding, rất nhiều môn khác nhau, và là chương trình phụ thêm mà các bạn học NUS College sẽ phải học.
Khi học chương trình này, mình có ít những môn tự chọn, mà phải học đủ những môn để hoàn thành chương trình NUS College. Số môn cần để tốt nghiệp của một bạn học NUS và một bạn học NUS College thì như nhau.
15/ Khi học tại NUS College, bạn có được chọn nơi ở không?
Mình không được chọn, nhưng theo mình nhớ thì NUS có hướng dẫn để đăng ký nơi ở, làm sao xác nhận đăng ký nơi ở, làm sao để liên hệ với những người cùng tầng ở đó, bạn chỉ cần làm theo các hướng dẫn của trường.
Sinh viên năm nhất của NUS College bắt buộc ở cùng một nơi nên không được chọn.
16/ Chương trình NUS College có nặng hơn chương trình NUS hay không?
Chương trình NUS College nặng hơn, vì các môn trong NUS College các bạn được học với các bạn rất thông minh. NUS thường tính điểm theo dạng mình thuộc top mấy của lớp thì mình sẽ được điểm, chứ không phải 9 điểm là A, 8 điểm là B. Vì mình phải so sánh với những bạn vô cùng giỏi nên điểm đạt được sẽ khó hơn.
Cảm ơn Cát Quyên đã tham gia chia sẻ cho phụ huynh & các bạn một lần nữa chúc bạn sức khỏe & học tập thật tốt nhé.