Nguyễn Đức Toàn, cựu học sinh trường Chuyên Trần Phú, Hải Phòng trúng tuyển ngành Hóa & xuất sắc được Học Bổng NUS College năm 2023, một chương trình mới của NUS. Mời phụ huynh & các bạn cùng nghe phỏng vấn bạn Đức Toàn nhé.
1/ Bạn có thể chia sẻ về môi trường học tập ở đây có gì hay? Có gặp khó khăn gì không?
Nhìn chung, môi trường học tập ở Singapore và ở trường em năng động, và có sự cạnh tranh khá lớn. Cách tính điểm của các trường đại học Singapore là chỉ có một số lượng nhất định các bạn được điểm cao nhất, sau đó đến các bạn được điểm cao thứ hai, rồi thứ ba, thứ tư… làm tăng tính cạnh tranh của việc học nói chung cho tất cả học sinh.
NUS cũng dạy cho chúng ta cách trở thành con người toàn diện. Trường không chỉ tập trung đào tạo những môn chuyên ngành, mà còn những môn chung khác, giống như những môn ở Việt Nam như Triết học, Tư tưởng,… Ở đây cũng có những môn nhân văn, ngay cả khi học các ngành Khoa học tự nhiên.
Em học một số môn nhân văn, hoặc tìm hiểu về chính sách, con người của Singapore. Em nghĩ việc này tạo cơ hội để bản thân trở thành con người hoàn hảo hơn, cũng như gia tăng hiểu biết chung của bản thân.
Một điều nữa em thấy ở Singapore, tất cả môn học đều khuyến khích hoạt động nhóm, chiếm một phần không nhỏ trong điểm tổng kết của môn học, khoảng 30%. Làm việc nhóm sẽ cho em cơ hội giao tiếp với các bạn, phát triển những kỹ năng, giao tiếp, tương tác với người khác, và hiểu hơn các bạn Singapore khi em được chọn các nhóm không chỉ có các bạn Việt Nam, mà còn có các bạn Singapore và các sinh viên quốc tế từ các nước khác.
Em nghĩ đây là điều tuyệt vời khi được học và sống trong môi trường Singapore.
2/ Các giảng viên và bạn bè có thân thiện không? Có điểm gì đặc biệt?
Các thầy cô rất quan tâm tới học sinh. Quy mô lớp học tại NUS khá nhỏ, không tính những buổi học ở giảng đường.
Trường tổ chức những buổi hướng dẫn, với lớp từ 10 đến 20 người, và mỗi lớp sẽ do một trợ giảng hoặc một giáo sư điều hành, và giải đáp các thắc mắc, hướng dẫn thêm về kiến thức chuyên sâu hơn, không có trong những buổi học tại giảng đường.
Do quy mô lớp học rất nhỏ nên trợ giảng hoặc giáo sư sẽ hiểu thêm về học sinh của mình. Em cảm thấy đây là cơ hội vô cùng tốt, em có một người để chia sẻ giống như một người bạn.
Những trợ giảng có thể là những sinh viên đã học những môn này chỉ hơn em một tuổi. Em cảm thấy họ rất thân thiện, luôn sẵn lòng giúp đỡ khi em có thắc mắc hoặc có điều gì chưa hiểu ở trên lớp.
Về bạn bè, do quy mô của lớp học rất nhỏ, nên khi có những hoạt động trong lớp, mọi người sẽ tập hợp lại và đưa ra hướng giải quyết cho những vấn đề hoặc chỉ đơn giản là chia sẻ với nhau, và tăng khả năng giao tiếp với những bạn khác học cùng hoặc không cùng chuyên ngành với mình.
Đây là một lợi thế vô cùng tốt khi tổ chức lớp học ở Singapore tương đối khác so với lớp học ở Việt Nam.
Hiện tại em có biết các bạn Singapore, Trung Quốc, Campuchia. Các bạn vô cùng thân thiện, sinh viên quốc tế ở Singapore không ít, em thấy các bạn thích bắt chuyện và nói chuyện với mình.
Đôi khi em cảm thấy có rào cản ngôn ngữ, vì ở Singapore, các bạn nói chuyện khá nhanh, và ngữ âm, chất giọng của các bạn khác so với Anh hay Mỹ. Các bạn vẫn vô cùng thông cảm và sẵn sàng nói chậm lại hoặc nói rõ hơn để mình có thể hiểu.
Em nghĩ điều này rất tốt vì các bạn vô cùng thân thiện và rất mến học sinh đến từ các nước khác.
3/ Bạn có thể cho biết thêm về sinh hoạt: bạn đang ở ký túc xá nào, việc ăn uống như thế nào ?
Hiện tại em đang ở Cinnamon College. Vì em đang học chương trình NUS College, nên trong năm nhất, em phải ở ký túc xá Cinnamon College này.
Ở Singapore có 3 loại ký túc xá chính, đầu tiên là Residential College, đây là loại ký túc xá hiện tại của em. Residential College được tạo ra để các bạn học chung chương trình học NUS College sẽ ở và giao tiếp với nhau.
Ký túc xá sẽ tổ chức rất nhiều sự kiện, và họ sẽ khuyến khích việc học sinh ra ngoài, bắt chuyện, tham gia những hoạt động này. Chúng em có thể làm quen hơn với môi trường của NUS College, cũng như nói chuyện và kết bạn với các sinh viên Singapore, em nghĩ đây là một điều tuyệt vời.
Hơn nữa, khi chúng em ở một tầng, mỗi tầng có một người quản lý và cũng là học sinh như em, có thể học năm hai, ba hoặc tư. Cứ mỗi tối, ở phòng sinh hoạt chung, các bạn sẽ ngồi lại và nói chuyện với nhau, có thể đặt thức ăn về để góp vui hoặc chơi trò chơi, xem TV, nói chuyện về việc học, cuộc sống ở Singapore.
Về việc ăn uống, chúng em có một phòng ăn chung. Vào đầu mỗi học kỳ, em sẽ được 130 credit để ăn sáng và ăn tối. Khi ở một không gian chung, chúng em lại có thêm cơ hội, vì chúng em không chỉ học chung lớp, tham gia chung sự kiện, nói chuyện với nhau khi sinh hoạt chung, chúng em còn ăn với nhau nữa. Đây cũng là cơ hội để chúng em có thể bắt chuyện và làm quen hơn với các bạn. Đó là ký túc xá của bên em.
NUS còn hai loại ký túc xá nữa, một là các Hall. Hall cũng giống như Residential College cả về ăn uống và không gian chung, nhưng các bạn không học cùng một chương trình. Ví dụ, trong NUS College, chúng em sẽ học chung một lớp với nhau và ở chung một nơi, cho nên rất dễ để kết bạn hoặc trò chuyện.
Nhưng khi ở Halls, lại có bất lợi so với ký túc xá chúng em, đó là các bạn gần như không quen biết nhau, do có thể không học chung lớp.
Còn một loại ký túc xá nữa là loại không có phòng ăn. Mọi người thường ăn ở những căn-tin, hoặc những nơi ở trong trường, thường ở University Town, hoặc ở ngay trong căn-tin hoặc ký túc xá. Họ không có cơ chế credit ở trong Hall hay Residential College.
3/ Ngoài việc học hành, bạn có tham gia thêm hoạt động nào không?
Về thể thao, em thấy NUS có rất nhiều hoạt động.
Thứ nhất, ngay ở trong trường, mỗi môn thể thao có một câu lạc bộ riêng, kể cả quần vợt, bóng đá, cầu lông,… có một số môn thể thao khác như hockey, hoặc một số môn ở Việt Nam chưa từng nghe qua, thậm chí là đua thuyền. Hoặc những hoạt động đạp xe xuyên đêm, hoặc chạy bộ…
Ở NUS College, khi nói về thể thao, không thiếu các câu lạc bộ, môi trường để tham gia và tùy thuộc vào mỗi người – có thể môn thể thao đã biết từ trước, hoặc muốn tiếp cận với một môn thể thao mới.
Em thấy rất vui khi tiếp cận với những câu lạc bộ như thế.
Ngoài những câu lạc bộ thể thao, còn có những câu lạc bộ khác, chia ra thành những câu lạc bộ liên quan đến chuyên ngành. Ví dụ, em học ngành Hóa, sẽ có những một số câu lạc bộ liên quan đến Hóa học, nếu học Lý sẽ có những câu lạc bộ liên quan đến Vật lý. Các bạn học Khoa học máy tính có thể tham gia các câu lạc bộ huấn luyện các cuộc thi như Hack-a-thon.
Mỗi chuyên ngành đều có những câu lạc bộ riêng. Em khẳng định mọi chuyên ngành đều có câu lạc bộ riêng cho chuyên ngành đó.
Ngoài ra, có những câu lạc bộ quy tụ những sinh viên từ tất cả các ngành trong trường, ví dụ như Hội liên hiệp sinh viên – Student Union, một số câu lạc bộ như Âm nhạc, Múa, Nhảy,… cũng có rất nhiều ở NUS.
Em nghĩ là NUS có cuộc sống sinh viên vô cùng tuyệt vời, vì trường cho em rất nhiều cơ hội để có thể khám phá bản thân và theo đuổi đam mê, xả stress sau những giờ học.
Ngoài ra, ở Singapore cũng có những Hội sinh viên Việt Nam tại Singapore trong mỗi trường, ví dụ, tại NUS có VNC NUS – Vietnam Community in NUS. Đây là nơi các bạn Việt Nam làm quen với nhau, nói chuyện bằng tiếng Việt, tham gia những sự kiện chỉ có VNC NUS có, ví dụ sắp tới sẽ tổ chức một buổi dạ hội. Trong học kỳ một, chúng em có tổ chức một sự kiện đạp xe vào ban đêm, chỉ mở cho cộng đồng sinh viên Singapore.
Rộng hơn nữa, có cộng đồng sinh viên Việt Nam tại Singapore – VNYA. Đây là cơ hội biết được các bạn sinh viên đến từ các trường khác ngoài NUS, cũng đang sinh sống và học tập tại Singapore.
4/ Bạn đã tìm hiểu về NUS College và bạn chuẩn bị hồ sơ như thế nào?
Trong đơn ứng tuyển NUS có mục NUS College. Lúc đầu, em khá hoang mang vì chưa từng nghe đến NUS College bao giờ. Một phần vì đây là chương trình mới khởi động, năm của em là mới năm thứ hai thôi, nên em gần như không biết gì về chương trình này.
Cho nên em đã lên website của NUS College, chỉ cần gõ NUS College vào Google và nhấn vào để tìm hiểu thêm về NUS College.
Sau đó em có tìm hiểu về chương trình học, về ý nghĩa việc tạo nên chương trình NUS College bởi người điều hành NUS College, những điều về cuộc sống sinh viên và các câu lạc bộ có ở NUS College.
Em thấy môi trường này rất đa dạng và nhiều màu sắc, họ luôn nhấn mạnh việc mọi người đến NUS College không chỉ để học, mà còn để làm giàu bản thân qua các hoạt động ngoại khóa, các chương trình không giới hạn trong ngành học của em.
Em muốn trở thành một người toàn diện, và ở NUS College, em tìm thấy được điều này. Những điều em biết em đã đọc qua trên website của NUS College.
Sau đó, em có hỏi thêm một số các bạn đi trước – các bạn khóa đầu tiên của NUS College là người Việt Nam, như bạn Lê Mai Tấn Đạt. Qua Hợp Điểm, em kết nối được với bạn Lê Mai Tấn Đạt và hiểu thêm về cuộc sống của bạn ấy ở NUS College. Qua đó, em thấy được cuộc sống của bạn qua một năm tại NUS College rất sôi động.
Em thấy hứng thú với điều này, nên em quyết định ứng tuyển vào NUS College.
5/ Sau khi đã trúng tuyển NUS College và theo học được một thời gian, bạn thấy những gì thú vị và hấp dẫn có thể chia sẻ với mọi người?
Em sẽ bắt đầu từ lý do hình thành trường NUS College. NUS College có 2 tiền thân. Thứ nhất là University Scholar Program – Chương trình Học giả Đại học, và chương trình nữa là Yale-NUS. Yale-NUS là sự hợp tác giữa NUS và Đại học Yale ở Mỹ, và Yale là trường đại học thuộc khối khai phóng (“liberal arts”), nên việc giáo dục tại Yale-NUS cũng rất chú trọng sự khai phóng.
Khi học ở đây, chúng em sẽ học những môn như tìm hiểu về xã hội, con người Singapore, các chính sách của Singapore, cách Singapore vượt qua khó khăn để trở thành nước phát triển như bây giờ, tổ chức xã hội Singapore, Singapore những năm trước so với bây giờ, tại sao Singapore đi theo con đường chú trọng nhân lực… Đó là một xã hội quan trọng thành tựu và khả năng của mỗi người, và họ sẽ thưởng xứng đáng với những thành tựu và khả năng của những người làm việc tại Singapore.
Em cũng học những môn liên quan đến văn học. Như môn Văn học toàn cầu, học về những thể loại văn học của nhiều xã hội khác nhau, có thể là xã hội Phương Đông, phương Tây, hoặc những xã hội đã có từ rất lâu, ví dụ triết học Trang Tử, triết học Plato.
Em cũng học Văn học từ những năm 1960 của Pháp, hoặc thơ cổ của Nhật Bản (haiku). Chúng em cũng học về phim ảnh, truyện tranh châm biếm hiện đại, ví dụ một số phim của Vương Gia Vệ vào những năm 1990, hoặc là phim “Hạ cánh nơi anh” để phân tích về tình yêu giữa hai nhân vật trong hoàn cảnh xung đột Nam – Bắc Triều Tiên.
Em muốn phát triển theo hướng con người toàn diện, hơn là một người chỉ chú trọng việc học. Đây là điều em tìm kiếm và mong muốn ở NUS College.
Đồng thời, tổ chức lớp học ở NUS College chỉ có 20 người, và điều hành bởi một giáo sư hoặc phó giáo sư từ NUS, cũng có thể là giáo sư từ một đại học khác làm việc cho NUS như Đại học Princeton, Yale, Duke,… đến và giảng dạy tại NUS College.
Bình thường, trong một học kỳ, một giáo sư chỉ điều hành từ một đến hai lớp, nên các giáo sư sẽ quan tâm đến học sinh. Mọi người sẽ ngồi thành một vòng tròn, không phải theo giảng đường – phòng xếp theo các dãy bàn và mọi người đều hướng về một phía. Lớp học như một hình chữ nhật và mọi người đều nhìn thấy nhau, khuyến khích việc nêu lên ý kiến trong mỗi lớp học, tăng tương tác giữa con người với nhau.
Các giáo sư cũng rất tận tâm với lớp học. Cách phát triển một lớp học không giống nhau, tức là lớp của các giáo sư có thể rất khác nhau tùy thuộc vào cách phân tích, cũng như học sinh mỗi lớp. Nên chúng em được suy nghĩ không giới hạn. Thực tế là chúng em không có sách giáo khoa, hay bất kỳ một hướng dẫn nào để phân tích bài đọc, đó là cảm nhận của mỗi người.
Ví dụ về văn học, em, người Việt Nam, sẽ cảm nhận khác với các bạn người Singapore, khác với các bạn Campuchia, với các bạn Trung Quốc, có thể vì ở các quốc gia khác nhau có những nền văn hóa khác nhau. Rất tuyệt vời khi chúng em có thể kết hợp tất cả ý kiến để phát triển lớp học, em có thể biết cách các bạn Singapore nghĩ về một vấn đề, và các bạn Singapore biết cách em nghĩ về một vấn đề khác.
Em thấy các giáo sư vô cùng tận tâm. Khi học các lớp của NUS College, em cảm nhận được giáo sư không đứng trên cương vị của một người thầy, một người thuần túy chỉ đưa kiến thức cho học sinh, mà các giáo sư giống như những người bạn mà em có thể chia sẻ. Tức là chúng em không có giới hạn, không có đúng hay sai trong một lớp học, tất cả mọi người chia sẻ ý kiến của mình và mọi người góp ý với nhau. Giáo sư cũng vậy, cũng đưa ra ý kiến của mình về vấn đề đó, ý kiến chủ quan, không phải ý kiến có sẵn. Em được tiếp cận với nhiều luồng ý kiến, các quan điểm khác nhau, và đó là cách NUS College phát triển để trở thành con người toàn diện.
Em nhớ tuần trước có nói chuyện riêng trực tiếp với một giáo sư dạy một môn liên quan đến Singapore, và vì em là người Việt Nam nên học môn Singapore sẽ tương đối khó, em chỉ mới bắt đầu học một học kỳ, chưa hoàn toàn hiểu xã hội Singapore, nên em cảm thấy khó, nhưng giáo sư vẫn vô cùng tận tâm để giải đáp. Trong suốt thời gian nói chuyện với giáo sư, không chỉ dừng lại ở việc giải đáp những kiến thức em chưa hiểu, mà giáo sư còn chia sẻ với em như một người bạn, về gia đình, đất nước Việt Nam, các món ăn…
Em hỏi giáo sư có đến Việt Nam chưa, đã thử món Việt nào rồi. Giáo sư trả lời đã thử món phở, bánh mì, và rất ấn tượng món phở cuốn, gỏi cuốn. Em cũng biết thêm về giáo sư, về gia đình của giáo sư, về con đường học tập, định hướng của giáo sư, tại sao giáo sư lại chọn con đường liên quan đến học về giới tính.
Em cảm thấy vô cùng gần gũi với giáo sư, và cảm thấy môi trường ở đây rất tuyệt vì em có thể mở rộng quan điểm của mình cho một người có quốc tịch khác.
6/ Bạn Toàn có lời khuyên gì dành cho các bạn chuẩn bị ứng tuyển vào NUS?
Lời khuyên của em cho các bạn năm nay ứng tuyển vào NUS là: hãy dám thử và hãy tin tưởng vào bản thân mình, vì mỗi người đều là một cá thể riêng với những tính cách khác nhau, những suy nghĩ khác nhau, và những nền tảng khác nhau, không một ai là giống ai cả.
Chính những điều cá nhân làm nên chính mình đó là những thứ nhà tuyển sinh tìm kiếm từ ứng viên. Hãy cứ tự tin vào bản thân mình, hãy cứ ứng tuyển đi, dù kết quả là gì thì bạn cũng đã thành công rồi.
Hẹn gặp lại tất cả mọi người tại NUS !