Phan Đàm Quân, cựu HS trường Chu Văn An, Hà Nội trúng tuyển ngành Geography năm 2019, đang là sinh viên năm 3 của trường NUS sẽ chia sẻ kinh nghiệm học Online có điều gì hay khác với Onsite.
1. Học trực tuyến có điều gì hay hơn học truyền thống ?
So với việc học truyền thống, việc học trực tuyến cho phép người học được tự do lựa chọn địa điểm cũng như thời điểm học tập. Nếu như khi học truyền thống, sinh viên phải đến phòng học vào một khung giờ cụ thể thì việc học trực tuyến cho phép sinh viên có thể học tại chính căn nhà của mình, hoặc thậm chí có thể học tại địa điểm làm việc, địa điểm du lịch hay bất cứ nơi nào mình mong muốn. Việc này cho phép sinh viên được tự chủ hơn nữa kế hoạch học tập và sinh hoạt của bản thân.
2. Học trực tuyến có nhược điểm gì?
Nhược điểm lớn nhất của việc học trực tuyến là ý thức tự giác học tập. Do không phải đến lớp học, không gặp bạn bè và thầy cô một cách đều đặn nên động lực học tập của người học cũng bị giảm sút một phần. Nếu sinh viên không tìm cách đưa bản thân vào nền nếp học tập một cách quy củ thì sự chểnh mảng và thiếu tập trung là khó tránh khỏi. Ngoài ra, việc học trực tuyến cũng có tác hại nhất định đến thể trạng sức khỏe khi việc học diễn ra chủ yếu bằng cách ngồi liên tục trước màn hình máy tính trong thời gian dài. Việc học trực tuyến cũng phụ thuộc rất nhiều vào trình độ ứng dụng công nghệ thông tin của người học và hạ tầng kĩ thuật của các địa phương: nếu sinh viên không thành thục việc sử dụng các thiết bị điện tử thì việc học sẽ rất khó khăn, và nếu đường truyền kết nối kém sẽ khiến việc tham dự các buổi học trực tuyến bị gián đoạn.
3. Học trực tuyến có bao nhiêu buổi là học trực tiếp qua mạng? Còn lại là gì?
Số lượng buổi học trực tiếp qua mạng (những buổi cần tham dự lớp học trực tuyến vào một thời điểm cố định cùng với những người học khác nhau) tùy thuộc vào phân phối chương trình của mỗi môn học và quyết định của giảng viên. Nếu như đó là môn học cần nhiều sự tương tác, trao đổi giữa các sinh viên để nâng cao và mở rộng kiến thức thì giảng viên sẽ có xu hướng tổ chức nhiều buổi học trực tuyến qua mạng, và sinh viên sẽ cần thảo luận và trình bày ý kiến nhiều hơn. Ngược lại, những buổi học chỉ mang tính truyền thụ kiến thức thường sẽ được các giảng viên ghi lại, và đăng video lên trang học liệu nội bộ của lớp. Thông thường, một môn học sẽ bao gồm cả hai hình thức: nghe lại bài giảng đã được ghi hình và tham gia vào các buổi học trực tiếp qua mạng, nhưng số lượng buổi học trực tiếp qua mạng sẽ ít hơn.
4. Học trực tuyến: thầy và trò tương tác thế nào?
Việc tương tác giữa giảng viên và sinh viên sẽ diễn ra chủ yếu thông qua những buổi học trực tiếp qua mạng. Do những buổi học đó có nhiều cuộc thảo luận giữa sinh viên, giảng viên sẽ lắng nghe và đưa ra nhận xét về phần trình bày, qua đó sinh viên và giảng viên có thể trao đổi về nội dung môn học. Ngoài ra, sinh viên có thể hẹn giảng viên một buổi riêng để hai thầy trò có thể trao đổi riêng về một vấn đề nào đó qua mạng. Sinh viên cũng được khuyến khích gửi thư điện tử trao đổi cho giảng viên về những điều mình chưa nắm rõ.
5. Học trực tuyến làm bài tập và thi thế nào?
Việc làm bài tập hầu như không thay đổi khi sinh viên chuyển sang học trực tuyến. Sinh viên sẽ được giao bài tập thông qua trang học liệu nội bộ và sẽ được yêu cầu gửi bài tập cho giảng viên trước hạn chót. Sinh viên sẽ tự chủ hoàn toàn về thời gian và địa điểm làm bài tập, miễn là phải hoàn thành và giao nộp trước hạn chót, và điều này diễn ra ngay cả trong khi học truyền thống.
Thi cử là vấn đề thay đổi lớn nhất khi chuyển sang học trực tuyến. Khi học truyền thống, tất sinh viên thường sẽ làm bài kiểm tra giữa kì và cuối kì tại một địa điểm tập trung và được trông thi nghiêm ngặt. Tuy nhiên, việc học trực tuyến khiến các môn học không thể áp dụng hình thức thi cử tập trung và phải tìm phương pháp thay thế. Một số môn học có nhiều nguy cơ gian lận thi cử yêu cầu sinh viên phải dùng điện thoại quay lại quá trình bản thân làm bài, và bài kiểm tra chỉ được làm trong thời gian tương đương khi thi tập trung. Tuy nhiên, một số môn học khác chỉ đưa bài kiểm tra cho học sinh làm tại nhà, và yêu cầu hoàn thành và giao nộp sau khoảng 1-3 ngày, do đó việc làm bài thi tương tự như việc làm các bài khóa trong quá trình học.
6. Học trực tuyến có tham gia thí nghiệm hay không?
Với một số môn học cần vào phòng thí nghiệm khi học truyền thống, sinh viên sẽ không phải làm thí nghiệm khi môn đó chuyển sang học trực tuyến hoàn toàn. Những buổi thí nghiệm truyền thống sẽ được thay thế bằng những buổi quan sát giảng viên thực hành thí nghiệm, và việc đánh giá kiểm tra sẽ được thực hiện qua các bài báo cáo và nhận xét quá trình thí nghiệm. Tuy nhiên, giải pháp thay thế này không thể giúp sinh viên tiếp thu nhiều kĩ năng so với việc học truyền thống. Dự kiến, những môn học có nhiều buổi thí nghiệm sẽ được ưu tiên sắp xếp phòng học và khả năng cao sẽ quay trở lại học truyền thống trong học kì 2.
7. Có đề xuất nhà trường cải tiến gì khi học và thi trực tuyến?
Mặc dù việc học trực tuyến có thể mang lại cảm giác “nhẹ nhàng” và “thoải mái” hơn do sinh viên không mất thời gian di chuyển, việc chăm chú quan sát vào màn hình máy vi tính quá lâu cũng như việc thiếu đi cảm giác học tập trong không gian trường lớp khiến việc học tập cũng có khó khăn nhất định. Do đó, việc điều chỉnh môn học cần phải được tiến hành cẩn thận. Việc tăng cường hay giảm bớt nội dung môn học, giao thêm hay cắt giảm số lượng bài khóa cũng nên được cân nhắc kĩ lưỡng do việc học trực tuyến không hề “đơn giản” hơn học truyền thống.
Thi cử theo hình thức trực tuyến hiện là vấn đề còn nhiều bất cập nhất, đặc biệt với những môn có nhiều nguy cơ gian lận thi cử. Nhà trường có thể khắc phục một phần việc này bằng cách giao những bài tập và đề thi hạn chế và dễ dàng phát hiện sự gian lận (nếu có).
8. Sinh viên cần chuẩn bị gì để học và thi trực tuyến tốt?
Sinh viên cần nâng cao ý thức tự giác và rèn luyện nền nếp học tập khi việc học không còn diễn ra ở trường lớp. Việc làm bài tập, lắng nghe bài giảng đã ghi hình, chuẩn bị tài liệu để tham gia vào các buổi thảo luận chung hay ghi lại báo cáo thí nghiệm cần được lên kế hoạch cụ thể, tránh rơi vào tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Ngoài ra, do sự tiếp xúc với bạn học và giảng viên có sự hạn chế nhất định, nên sinh viên cần chủ động tự tìm tòi, khám phá kiến thức mới và mạnh dạn trao đổi với giảng viên để tháo gỡ những khó khăn.
Đối với việc thi trực tuyến, sinh viên trước hết cần ôn tập các đơn vị kiến thức và chuẩn bị sẵn tâm lý để tham dự buổi thi. Tuy nhiên, đặc thù của việc thi trực tuyến khiến sinh viên cần chuẩn bị không gian phòng thi thật phù hợp: việc làm bài thi trong một căn phòng ồn ào hay có nhiều sự xao nhãng sẽ khiến sinh viên khó tập trung để làm bài cho kịp giờ. Ngoài ra, sinh viên cũng cần tự đảm bảo đường truyền mạng và thành thục sử dụng các thiết bị điện tử để hạn chế sự cố xảy ra trong phòng thi. Nếu có những trường hợp bất khả kháng, sinh viên cần chủ động liên lạc với giảng viên để điều chỉnh lịch thi và bài thi của mình (Chẳng hạn, sinh viên cần chú ý lịch cắt điện luân phiên vào những tháng cao điểm tiêu thụ điện, và nắm rõ kế hoạch nâng cấp cải tạo lưới điện để có kế hoạch kết nối mạng cho máy vi tính trong những trường hợp như trên).